Hiện tượng tâm linh bí ẩn?
Tất cả mọi gia đình có trẻ sơ sinh đều bị ám ảnh bởi hiện tượng khóc dạ đề. Theo đó, khi thấy bé khóc dai dẳng từ độ tuổi từ 3 tuần đến 3 tháng, mỗi lần khóc 3 tiếng, mỗi tuần bé khóc ít nhất 3 lần và kéo dài đến 3 tuần nghĩa là bé đang bị mắc chứng khóc dạ đề. Nhiều người thường quan niệm đây là do các vấn đề về tâm linh gây nên như:
- Những người đang có tang hoặc vừa đi đám tang về mà vô tình đến thăm trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi sẽ làm cho đứa trẻ đó mắc chứng khóc dạ đề.
- Trẻ sinh vào 1 trong 4 loại giờ dạ đề (giờ Mão mùa đông, giờ Ngọ mùa xuân, giờ Dậu mùa hè và giờ Tý mùa thu).
- Do địa khí phong thủy yếu kém, nhà có nhiều âm khí.
Hay là bệnh lý đơn thuần ở trẻ sơ sinh?
Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể của chứng khóc dạ đề nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ, hiện tượng khóc dạ đề là thể hiện bệnh lý trong cơ thể trẻ chứ không liên quan đến khía cạnh tâm linh. Cụ thể là, khóc dạ đề ở trẻ có thể do các nguyên nhân sau:
- Các giác quan của bé sau 3 tuần tuổi dần dần được hoàn thiện, bé sẽ bị quá tải với những kích thích của môi trường như ánh sáng, tiếng ồn... Để giải tỏa những căng thẳng gây kích thích thần kinh một cách quá mức, bé sẽ khóc thật lâu.
- Viêm nhiễm hệ hô hấp, nhiều nhất là viêm tai giữa, mũi và họng.
- Thiếu canxi là hiện tượng xảy ra nhiều nhất gây nên khóc dạ đề.
- Chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể là thủ phạm gây nên khóc dạ đề, một số bé hay bị trớ ngay sau khi bú, ăn kém và khó chịu sau khi ăn. Hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn sẽ làm bé đau bụng và trướng bụng.
- Dị ứng với một số thành phần trong sữa công thức hoặc dị ứng với một số món ăn trong khẩu phần của mẹ nếu bé bú mẹ.
Khi đã hiểu được điều này, cha mẹ cần phải bình tĩnh để tìm nguyên nhân gây nên hiện tượng khóc chịu ở trẻ.
Nếu do cơ quan cảm giác phát triển, cha mẹ cần tạo cảm giác an toàn cho bé như cho bé ngủ trong vòng tay mình, ôm ấm, thủ thỉ nói chuyện để bé cảm thấy mình không cô đơn. Ngoài ra, phòng ngủ của bé cũng cần phải được giữ thoáng đãng và yên tĩnh.
Nếu do hiện tượngt rào ngược dạ dày, mẹ cần tạo cho trẻ có chế độ ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ. Sau khi trẻ ăn xong thì cần cho trẻ ợ hơi để tránh trướng bụng.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý chế độ ăn của mình khi cho con bú để tránh trường hợp bé bị dị ứng.