Cứ đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 hàng năm là thời điểm dâu tằm chín rộ. Những quả dâu tằm tím đỏ, mọng nước khiến bao chị em nội trợ phải háo hức, tìm mua. Dâu tằm có thể ăn trực tiếp nhưng nhiều người vẫn thích là mua về làm si rô dâu, ngâm nước uống giải khát mùa hè.
Dâu tằm đang vào mùa
Nước dâu tằm ngâm uống rất ngon và thơm mát. Tuy nhiên, nhiều chị em nội trợ trong quá trình ngâm dâu, dâu hay bị màng, váng và nổi rất nhiều bọt, lại nhanh lên men. Riêng chị Thu Hồng (Hà Nội) lại có bí quyết rất riêng, khiến dâu ngâm lâu mà chưa bị màng.
Chị Thu Hồng có cách ngâm nước dâu tằm để lâu không có bọt hay lên men mà không cần phải đun
Chị Thu Hồng cho biết, trước tiên, phải chọn những quả dâu thật ngon, cứng quả và không bị dập. Sau đó, đem rửa nhẹ nhàng. “Mình không rửa dâu với nước muối mà chỉ rửa dâu lần cuối cùng với nước đun sôi để nguội”. Sau đó, dâu được để thật ráo.
Bên cạnh đó, chị Hồng cũng khuyên chị em nội trợ nên mua bình thủy tinh về ngâm cho đảm bảo an toàn sức khỏe. Trước khi ngâm, nên tráng lại bình với nước nóng.
Thông thường, các chị em khác hay ngâm dâu với đường trắng nhưng chị Hồng lại chọn đường phèn giã tay, loại không tẩy trắng. Sau khi dâu đã ráo nước, bình thủy tinh đã được làm sạch, chị sẽ rải một lớp dâu với một lớp đường phèn theo tỉ lệ 1 kg dâu và 600-700g đường phèn cùng 2-3g muối.
Theo chị Hồng, đường phèn sẽ tan từ từ, không khiến cho quả dâu bị nát, nước dâu thanh mát, tươi ngon, có vị chua nhẹ. Còn thêm chút muối là để kích thích vị ngọt của đường cũng như hạn chế việc lên men của nước dâu. Thỉnh thoảng chị còn mở nắp lọ để xả bớt hơi ga trong nước dâu.
Thành phẩm bình nước dâu nhà chị Thu Hồng sau khi đường tan vẫn chưa bị nổi bọt và lên men
Cách ngâm nước dâu tằm này là do chị Hồng nghĩ ra sau nhiều lần chị ngâm mơ và chanh đào thành công. Sau 2 tuần, nước dâu tằm ngâm theo cách này sẽ uống được.