Anh đi anh nhớ quê nhàNhớ con cá bống sông Trà kho tiêu
Câu ca đó đã làm cho tôi có cảm giác rất tò mò về con cá bống mang tên sông Trà ấy. Cá bống thì có gì là lạ? Mà sao người Quảng Ngãi mỗi lần xa quê lại nhớ nó đến vô cùng…
Một lần có dịp về Mộ Đức – Quảng Ngãi thăm quê hương của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi cùng các anh em trong đoàn đã nghe người dân ngâm nga:
Chim mía Xuân Phổ
Kẹo gương Thu Sà
Cá bống sông Trà
Mạch nha Mộ Đức
Hỏi ra mới biết đó là 4 đặc sản nức danh địa phương ở Quảng Ngãi, mảnh đất miền Trung hai mùa mưa nắng. Trong số các món ăn đó, có lẽ Cá bống sông Trà được nhiều du khách ưa chuộng hơn cả. Tôi nghe anh em bảo nhau, tranh thủ dịp này phải ghé sông Trà mua cá bống về làm quà biếu, vừa giản dị lại vừa độc đáo!
Cá bống được bày bán trong thẩu nhựa
Theo đoàn đi mua quà biếu, tôi được dịp thưởng thức món ăn nức danh này. Người ta bảo quản cá bống đã rim trong thẩu nhựa, hoặc thủy tinh, hạn dùng có khi đến 3 tháng mà màu sắc, chất lượng vẫn y nguyên, không hề suy giảm. Tôi cũng không bỏ qua cơ hội hỏi han những người làm cá bống ở đây. Thì ra, tuy ruộng đồng, ao hồ, sông suối ở Quảng Ngãi không đâu là thiếu cá bống, thế nhưng ở dòng sông Trà, nó lại đặc biệt hơn. Phải chính là con cá bống sinh trưởng tại dòng sông ấy thì mới làm ra được loại đặc sản này.
Cá bống được bắt trên sông Trà
Được chế biến rất công phu, cá bống sông Trà sau khi được đánh bắt phải rửa thật sạch, để ráo nước. Người ta thêm vào những loại gia vị như muối, đường, bột ngọt, ớt trái… rồi rim bằng chảo dầu suốt hơn 1 tiếng đồng hồ. Những con cá nhỏ nhắn trước đó giờ đây phảng phất một mùi thơm ngào ngạt. Cá Bống rim thanh thanh, ngọt, cay hòa lẫn tạo nên một hương vị không thể lẫn vào đâu được. Khi nếm thử, tôi và anh em trong đoàn cùng nhìn nhau bảo “Đúng là lời đồn không sai’.
Mùi thơm của cá cùng với vị đậm, ngọt, bùi và béo chỉ có thể cảm nhận hết khi ta nhai chậm cùng miếng cơm gạo tám thơm nấu hơi khô một chút. Nếu ngon miệng mà ăn nhiều thì chắc chắn sau bữa ăn bạn sẽ phải uống đầy mấy bụng nước cho đỡ khát. Ngoài ra, cá bống kho tiêu còn được ăn với cháo trắng nấu bằng gạo thơm. Có lẽ cách ăn này cũng khá hay vì cháo nhạt sẽ làm trung hòa vị mặn của cá.
Nghe tên thì có vẻ bình thường nhưng đến khi thưởng thức mới thấy quả nhiên là ngon tuyệt. Không cứ gì phải là sơn hào hải vị, tôm hùm vi cá, đôi khi món ăn từ những chú cá bống rất đỗi thân quen lại vẫn có thể làm nên 2 từ “đặc sản”.
Mỗi lần có ai đó đi công tác ở Quảng Ngãi, tôi đều gửi họ mua giúp vài ba hũ “để dành”. Qủa thật, cái món ăn vừa cay, vừa mặn, vừa thanh ấy khiến người ta ăn một lần không thể nào quên. Dường như đó là hương vị của dòng sông, mùa chớm cạn, tiết tháng ba khi nắng vừa đủ vàng như tươm mật trên dòng sông, nước vừa đủ trong xanh để có thể nhìn được cát trắng dưới đáy sông, và gió nam cũng vừa đủ thổi qua người những cơn gió mát mẻ. Món ăn của “người nhà quê” lại trở nên nức tiếng bốn phương. Phải chăng vì môi trường sống trong lành tạo nên vị ngon ngọt cho cá Bống? cũng như người dân miền đất Quảng Ngãi dân dã nhưng tâm hồn ẩm thực thì vô cùng tinh tế?
Tiểu Vũ
Có thể bạn quan tâm: