- Anh bị đánh giá là "thích chơi trội" khi huy động một êkíp toàn những nhân vật đình đám trong nghề để phục vụ cho đêm "No.7 - Cảm ơn Sài Gòn”. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi luôn có quan điểm rõ ràng và rất lý trí trong việc chọn lựa người đồng hành trong các buổi biểu diễn lớn. Tôi tập hợp những người giỏi cùng góp sức với mình cũng vì mục đích nâng tầm chất lượng cũng như đảm bảo sự an toàn cho đêm diễn, tôn lên những bộ trang phục và ý tưởng mình gửi gắm.
Tôi rất vui khi êkíp thực hiện chương trình đều là những người có uy tín trong từng lĩnh vực họ đảm nhận: thanh hằng ở lĩnh vực thời trang; hồ ngọc hà ở lĩnh vực âm nhạc, thời trang; Việt Tú là một đạo diễn gắn với hàng loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật nổi bật trong những năm gần đây; Đinh Công Đạt - một cái tên không đại chúng nhưng là nhân vật rất nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở vai trò nghệ sĩ thiết kế những hiệu ứng thị giác trong các show diễn; anh Ngọc Bảo là một người làm ánh sáng quen thuộc trong rất nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam; nhạc sĩ đức trí đã là cái tên quen thuộc trong giới âm nhạc…
Mỗi người một công việc, chúng tôi tôn trọng chuyên môn của nhau để cùng hướng đến sự hoàn thiện. Đó cũng chính là cách thể hiện sự tôn trọng với khán giả.
Nhà thiết kế Công Trí (thứ hai từ trái qua) nhận được sự hậu thuẫn nhiệt tình từ êkíp làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo. |
- Sẽ có điểm nhấn nào để khán giả tập trung vào tính trình diễn của sô thời trang này?
- Ban đầu tôi quyết định show diễn sẽ mang nhiều tính cộng hưởng với nhiều lát cắt (mang nặng tính trình diễn - performing) đến từ các bản sắc văn hóa đa dạng của mảnh đất Sài Gòn. Tuy nhiên, show diễn, hay mọi thứ liên quan tới nó bao gồm: cách thức thể hiện runway, hay trình diễn sắp đặt… đều cần phải bắt nguồn từ chính bộ sưu tập và tôn vinh bộ sưu tập thay vì chỉ chú trọng vào các chiêu trò để rồi người xem chỉ chú ý đến những chiêu trò hơn bộ sưu tập của nhà thiết kế.
Do đó, những gì tôi chăm chút đều tập trung mang lại cho người xem một show diễn thời trang đúng nghĩa, điều mà khán giả yêu thời trang trong nước vốn ít được thưởng thức. Tôi chăm chút cho mọi thứ, từ vật liệu làm sàn catwalk đến dàn dựng (cách đi của người mẫu, thứ tự ra vào, cách sắp xếp các bộ sưu tập) để chúng tuyệt đối tuân thủ theo phong cách này.
- Thiết kế sân khấu, sàn catwalk là một trong những yếu tố làm nên dấu ấn của đêm thời trang. Anh đầu tư cho khâu này ra sao?
- Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt là người cùng tôi giải bài toán liên quan đến vật liệu mặt sàn runway, vốn là điều tối quan trọng trong mỗi show thời trang.
Sau nhiều ngày nghiên cứu và tìm hiểu cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế, bài toán khó đã được giải. Mặt sàn runway do chúng tôi thiết kế có hai lớp, lớp trên cùng là kính cộng lực, lớp lót dưới là lụa có sắc độ đậm nhạt để tạo thêm hiệu ứng khi phản chiếu qua kính. Cách sắp xếp các mảnh lụa lót dưới sàn kính này được lấy cảm hứng từ kỹ thuật đan mây tre lóng đôi. Toàn bộ hệ thống mặt sàn này rộng ngang 3m, dài 22m, đặt trên một nền đen để nổi bật tối đa. Công việc này lấy đi của chúng tôi rất nhiều thời gian và tâm sức.
Ngay từ khi ý tưởng được duyệt, một hệ thống mặt sàn demo có diện tích bằng một phần sáu tỷ lệ thực đã được thi công. Toàn bộ hệ thống giày catwalk được sử dụng trong show diễn đã được nhập về trước thời hạn. Dưới sự chỉ đạo của siêu mẫu Thanh Hằng, một số người mẫu đã được bước đi thử trên hệ thống mặt sàn này để đảm bảo vật liệu tạo ra mặt sàn không làm khó cho người mẫu trình diễn, không dẫn đến các tai nạn khi diễn xuất (ngã, đi lại không tự tin do sợ trơn trượt) - điều này vốn diễn ra thường xuyên trong một vài show thời trang chuyên nghiệp gần đây. Tôi rất hài lòng khi kiểm tra thấy hệ thống ánh sáng trong khán phòng không bị hiệu ứng khúc xạ dội ngược từ mặt sàn kính.
Chương trình "No.7 - Cảm ơn Sài Gòn" của nhà thiết kế Nguyễn công trí diễn ra vào lúc 18h ngày 1/11 tại TP HCM. |
Để hỗ trợ làm rõ ý tưởng của bộ sưu tập, chúng tôi còn lắp đặt một hệ thống màn hình LED P5 hiện đại nhất ở thời điểm hiện tại. Màn hình này có thể chỉ dùng để… chiếu các slide ý tưởng của nhà thiết kế trong buổi giới thiệu bộ sưu tập số 7 sắp tới.
Tôi và êkíp của đạo diễn Việt Tú thống nhất, đã là một show runway couture tiêu chuẩn quốc tế thì mọi thứ từ chi tiết nhỏ nhất phải được chuẩn bị kỹ càng, cẩn trọng. Cả việc bố trí các ghế ngồi cách nhau bao nhiêu cm, vật liệu bọc quanh khán phòng phải là nhung đen (thay vì vải đen thông thường như các show diễn khác). Thậm chí, các bọc ghế cũng được may mới bằng vải nhung đồng bộ và đặt làm riêng cho show diễn này, thay vì chỉ dùng những tấm bọc ghế thông thường.
- Anh tập trung sức lực thế nào cho bộ sưu tập sắp ra mắt?
- Từ khi lên ý tưởng đến khi bắt tay vào thực hiện tôi mất 8 tháng để cho ra đời 50 bộ trang phục. Bộ sưu tập lần này của tôi chạm tới đời sống (vốn là điều không thể thiếu trong bất kỳ bộ sưu tập nào của các nhà thiết kế thế giới).
Trong các mẫu váy áo, tôi áp dụng các phương pháp Fabric Folding, Smocking để xử lý trên nền vải lụa tơ tằm, satin của Việt Nam nhằm tạo nên những chất liệu mới và riêng biệt ở thương hiệu của mình. Những thiết kế đồ họa trên vải cũng được áp dụng tối đa bằng kỹ thuật in chuyển nhiệt, tạo nên những hình ảnh sống động - truyền tải những gì dễ thương và đáng yêu nhất của Sài Gòn ngày hôm nay.
Đây là một đêm trình diễn thời trang bao gồm những trang phục ứng dụng đan xen những trang phục mang yếu tố concept, thể hiện ý niệm nghệ thuật trong thời trang. Do đó, bộ sưu tập không hoàn toàn chỉ nghiêng về tính biểu diễn. Các màn trình diễn không cầu kỳ, chỉ đơn giản và nhẹ nhàng để người xem có thể thấy rõ kiểu dáng, chất liệu và các chi tiết làm thủ công bằng tay trong từng thiết kế của tôi.
Tôi hy vọng sô diễn của mình là một sự bổ sung thêm về khái niệm thời trang cao cấp - Haute couture - của ngày hôm nay: chúng vẫn có thể ứng dụng được và gần gũi với đời sống hơn.
Thanh Hằng tham gia vai trò chỉ đạo đêm diễn "Cám ơn Sài Gòn". Trong khi đó, Hồ Ngọc Hà giữ vai trò DJ. Chiều 28/10, cô có buổi làm việc với nhiếp ảnh gia Nguyễn Long để chụp hình cho bộ ảnh mới nhất giới thiệu các mẫu thiết kế lần này của Nguyễn Công Trí. Ảnh: Thanh Nhàn. |
- Anh đặt kỳ vọng gì vào cuộc chơi lớn nhất trong năm của mình?
- Hàng năm, những nhà thiết kế lớn trên thế giới thường xuyên bỏ thời gian để đi tới các vùng đất khác nhau, tìm chất liệu hay cảm hứng sáng tác. Hoặc đôi khi họ tìm thấy chất liệu và cảm hứng sáng tác ngay trên chính vùng đất họ sinh sống, làm việc, từ những thứ xung quanh họ. Lần này, tôi đi theo đúng con đường như vậy. Tôi hy vọng khi người xem đến thưởng thức bộ sưu tập của Công Trí, họ không chỉ đồng cảm với chuyện quần áo, chất liệu mà còn đồng cảm với chủ nhân bộ sưu tập về những cảm nhận của con người với môi trường xung quanh, về cuộc sống, công việc, vận may, về mọi thứ to cũng như nhỏ, sang trọng, quan trọng cũng như rẻ rúng, lòe loẹt…
Tôi muốn chia sẻ với mọi người cảm nhận của mình về cuộc sống thông qua những gì được chắt lọc từ những thứ gần gũi, tưởng chừng như vô giá trị. Tôi quan niệm, đời sống chính là nguyên liệu của thời trang chứ không phải kim tuyến hay đá long lánh hoặc những vật liệu cao cấp đắt tiền mới làm nên những bộ sưu tập Ready to wear, Couture sang trọng.
Tôi đã ấp ủ và sắp tới sẽ cho ra đời một thương hiệu Nguyễn Công Trí với dòng sản phẩm cao cấp. Tôi muốn hướng đến người tiêu dùng một khái niệm: thời trang là nghệ thuật.
Chi Mai thực hiện