Show Elie Saab hôm 3/10 khép lại mùa diễn xuân hè 2013 của bốn thủ đô lớn: New York, London, Milan và Paris. Mùa thời trang này không chỉ là cơ hội để các nhà thiết kế thi thố tài năng mà còn là nơi diễn ra cuộc chiến nảy lửa giữa 4 kinh đô thời trang lớn nhất thế giới.
Ngoài các cuộc xung đột nhỏ lẻ dễ thấy diễn ra trên và quanh sàn catwalk, ít ai biết đến một cuộc chiến giữa các ông trùm - các Hiệp hội thời trang tổ chức 4 tuần lễ - liên quan đến việc ai làm trước, ai sau.
Show diễn Elie Saab kết lại mùa thời trang Xuân Hè 2013. Ảnh: AFP. |
Paris là cái nôi thời trang nhưng New York mới là nơi khởi nguồn của Tuần lễ thời trang từ thập niên 1940. Trước nay, các tuần lễ thời trang diễn ra theo thứ tự bất di bất dịch là New York, London, Milan và Paris. Tuy thứ tự là như vậy nhưng thời điểm khai mạc tuần lễ sau thi thoảng vẫn gối lên thời gian diễn ra tuần lễ trước.
Thông thường, các ông lớn sẽ ngồi lại với nhau và thương thảo sẵn lịch diễn trước cho 3 năm. Thỏa hiệp gần đây nhất được ban hành vào 2008, quy định thứ tự diễn ra và thời điểm khai mạc của 4 tuần lễ thời trang lớn trong các năm 2009, 2010 và 2011. Cuối năm 2011, thỏa hiệp này hết hiệu lực và một thỏa hiệp mới chưa kịp ra mắt. Lập tức, hỗn chiến thời trang 2012 nổ ra. Đầu năm 2012, các hiệp hội thời trang công bố lịch khai mạc của các tuần lễ xuân hè 2013, diễn ra vào mùa thu năm nay, lần lượt là: New York (bắt đầu vào 13/9), London (21/9), Milan (19/9) và Paris (25/9). Theo lịch này, Milan cho khai màn trước cả London và trong khi New York chưa kết thúc. Paris cũng "giẫm chân" vào những ngày cuối cùng của tuần lễ London.
Hiệp hội thời trang của Mỹ và Anh cho rằng, Italy đã phá vỡ thỏa ước năm 2008 và đề nghị phía Italy và Pháp lùi lịch diễn một tuần. Tuy nhiên, phía Italy biện minh, thỏa ước chỉ có hiệu lực 3 năm tính từ 2008 và năm 2012 thì chưa có sự dàn xếp về thứ tự tổ chức, nên họ hoàn toàn không có lỗi, không cần điều chỉnh.
Ông Mario Boselli - Chủ tịch Hiệp hội thời trang Italy - tuyên bố trên tờ Women’s Wear Daily: “Hãy để kẻ mạnh nắm uy quyền”. Hiệp hội thời trang Pháp cũng không hề có ý định nhường bước. Chủ tịch hội Didier Grumbach lý giải rằng: "Hiển nhiên là tất cả thành viên trong hiệp hội không đồng ý điều này. tuần lễ thời trang paris diễn ra sau cùng nên các hãng thời trang sẽ nhận đơn đặt hàng trễ, kéo theo sẽ giao hàng lỗi hẹn khi mà lịch diễn đã công bố".
Chủ tịch Hiệp hội thời trang Italy Mario Boselli (phải) và Chủ tịch Hiệp hội thời trang Pháp Didier Grumbach. |
Hiệp hội thời trang Italy còn đưa ra những đề nghị táo bạo đối với các hiệp hội thời trang khác. Đầu tiên là yêu cầu phía Mỹ giảm bớt lịch diễn đi một ngày, điều mà khó có thể sắp xếp ổn thỏa với hơn 250 show. Tiếp theo là đề nghị phía Pháp đẩy tuần lễ thời trang lên hẳn tháng 7, thời điểm mà các show diễn thời trang cao cấp Haute Couture vẫn diễn ra hàng năm.
Sau nhiều tháng trời tranh cãi, thậm chí phải sang tận Italy để thỏa hiệp, nhà thiết kế Diane von Furstenberg, Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ đã nhượng bộ và tuyên bố: “Chúng ta phải bảo vệ nền công nghiệp thời trang. Mỗi con người phải nhận thức được rằng tạo ra công ăn việc làm là trách nhiệm hàng đầu”. Mỹ đã phải lùi lịch diễn sát với ngày lễ lao động của Mỹ và lịch mới được công bố là: New York: 05/9 – 13/9, London: 14/9 – 18/9, Milan: 19/9 – 24/9, Paris: 25/9 – 3/10. Lịch diễn mới tuy có chút thay đổi nhưng vẫn bảo đảm thứ tự diễn ra cũng như thời gian không trùng lặp như dự kiến ban đầu. Đây cũng là lịch được dàn xếp cho 3 năm tiếp theo từ 2012.
Minh Nhuận
Có thể bạn quan tâm: