Vanessa Friedman, giám đốc thời trang của New York Times, vừa tổ chức buổi thảo luận về những "góc khuất" trên thảm đỏ hollywood tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Savannah (Mỹ). Chương trình có sự tham gia của các nhà thiết kế tự do ở Mỹ như Juan Carlos Obando, Irene Neuwirth và Brett Heyman. Họ đều không làm việc cho thương hiệu thời trang lớn nào và từng có sản phẩm được sao quốc tế diện lên thảm đỏ.
Cả ba nhà thiết kế thừa nhận việc để trang phục, phụ kiện được xuất hiện trên thảm đỏ Hollywood không phải điều đơn giản. Sự cạnh tranh từ các nhà mốt lớn không dừng ở chuyện tên tuổi mà họ còn có nguồn lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi trả cho người nổi tiếng hợp đồng không nhỏ để quảng bá sản phẩm. Bởi vậy, mỗi người phải tự tìm cách để sản phẩm gây chú ý với các sao.
Tony Hale cầm hộ Julia Louis-Dreyfus chiếc xắc tay do Brett Heyman làm trên sân khấu giải Emmy 2013. Ảnh: Fashionista. |
Giới thiết kế tìm mọi cách để sản phẩm tới tay sao với hy vọng chúng được dùng trên thảm đỏ. Brett Heyman cho biết, trong sự kiện lớn, cô sẽ làm một vài mẫu túi đặc biệt. Giá thành những phụ kiện này dao động từ vài trăm đến hàng nghìn USD. Tuy vậy, với nhà thiết kế, sự hy sinh lớn nhất không phải là tiền bạc mà là thời gian hoàn thành sản phẩm ấy. Trong khi đó, cơ hội để mẫu túi đặc biệt này xuất hiện trên thảm đỏ danh giá dừng ở mức "được ăn cả, ngã về không".
Juan Carlos Obando cũng chọn cách tương tự. Mỗi mùa sự kiện, anh lại làm đồ không công cho giới nghệ sĩ. Tất cả ý tưởng, chi tiết đều do Juan cùng nghệ sĩ và stylist của họ thực hiện. Việc hoàn thành mất tới hàng tháng trời. Song, những bộ xiêm y không được gắn mác đảm bảo sẽ được mặc lên thảm đỏ. Juan cho biết: "Thi thoảng, sự đầu tư của tôi được đền đáp, đôi lúc không. Nhưng hầu hết trường hợp, váy tôi gửi đều không bị trả lại". Nhà thiết kế kể, trong các buổi tiệc hậu Oscar, anh làm trang phục cho 20 đến 30 người. Tuy vậy, chỉ một nửa trong số đó trả tiền cho váy áo họ mặc.
Song song việc gửi, làm đồ miễn phí, các nhà thiết kế tự do phải thiết lập quan hệ với stylist của sao. Theo Juan Carlos Obando, quan hệ càng tốt, sản phẩm càng có nhiều cơ hội xuất hiện. Vì thế họ phải theo dõi chặt chẽ, xem sao thay đổi stylist thế nào. "Jennifer Lawrence từng đổi stylist từ Rachel Zoe sang Elizabeth Stewart trong một mùa nhưng tới mùa sau lại chuyển về như cũ. Với sự thay đổi như vậy, bạn phải rất cẩn thận".
Tuy vậy, việc đánh đổi để tiếp cận được sao Hollywood với Irene Neuwirth - chuyên sản xuất trang sức giá cao - là một bài toàn kinh tế. "Mỗi món quà gửi đi đồng nghĩa việc tôi phải bỏ ra ít nhất 10.000 USD. Nếu thực sự muốn tặng đồ cho sao nào, đó phải là quan hệ rất thân thiết", Irene tâm sự.
Đôi khuyên tai của Irene Neuwirth được Julianne Moore đeo trên thảm đỏ Met Gala 2013. Ảnh: Popsugar. |
Ngoài khẳng định tên tuổi, doanh số bán hàng là nguyên nhân khiến nhà thiết kế khao khát sản phẩm được diện trên thảm đỏ.
Juan Carlos Obando cho biết, sau khi Kim Kardashian mặc bộ váy của anh, mẫu thiết kế đã "cháy hàng" khắp chuỗi phân phối đồ cao cấp của Barneys. "Nhờ Kim, bạn có thể kết nối với văn hóa pop hiện đại. Với Julia Roberts, bạn chỉ bán được một cái váy thôi. Nhưng Kim có hàng triệu người đang theo dõi cô ấy", Juan cho biết.
Không nhanh nhạy như đồng nghiệp, Brett Heyman phải mất một thời gian mới hiểu sức mạnh của ngôi sao. Hồi mới thành lập công ty, cô chỉ đầu tư các bài quảng bá sản phẩm trên tạp chí lớn, trong đó có Vogue. Nhưng khi Kate Hudson chọn xắc tay do hãng sản xuất để tới Met Gala 2011, tình hình tài chính mới có dấu hiệu đi lên. Chuỗi cửa hàng cao cấp Bergdorf Goodman sau đó đã liên hệ với Brett Heyman để nhập sản phẩm về bán.
Irene Neuwirth cũng thu được món lời không nhỏ khi các sao đeo trang sức của cô để xuất hiện tại sự kiện lớn. Chiếc vòng cổ của Amy Poehler tại giải Quả Cầu Vàng 2015 được khách hàng đặt mua ngay trước khi chương trình bắt đầu. Năm 2013, tại tiệc thời trang Met Gala 2013, Julianne Moore vừa đặt chân trên thảm đỏ chụp hình với đôi hoa tai ngọc bích, đã có người gọi điện tới hãng mua hàng.
Mỗi bộ trang phục, phụ kiện của sao Hollywood đều có khả năng đem lại cho các nhà thiết kế những món lời khổng lồ. Ảnh: Blogspot. |
Gồng mình tìm kiếm chỗ đứng bằng thời trang thảm đỏ nhưng các nhà mốt cũng phải đứng trước thách thức giữ nguyên bản sắc. Tất cả vì phom dáng, thiết kế trang phục thảm đỏ đang dần tiến tới mức bão hòa, khiến áp lực cạnh tranh ngày một tăng. Brett Heyman lấy ví dụ, năm 2013, Anne Hathaway từng phải đổi váy từ Valentino sang Prada chỉ vì phát hiện có diễn viên khác sở hữu bộ trang phục gần giống của mình. Scandal này như cú hích thức tỉnh các nhà thiết kế cần có sự cân bằng rõ ràng hơn nữa trong việc tìm kiếm tiền tài, danh vọng cũng như giữ được bản sắc cá nhân.
Thành Trương