"Trùng ý tưởng" hay "đạo thiết kế" là đề tài thu hút nhiều tranh cãi trong số các câu chuyện của làng mốt Việt. Mới đây nhất, khi ca sĩ Mỹ Tâm diện bộ trang phục sao chép từ thương hiệu Viktor & Rolf (Hà Lan), do nhà thiết kế trẻ Nguyễn Công Tín thực hiện, câu chuyện về hai khái niệm trên một lần nữa được mang ra mổ xẻ.
Trước đó, đã có rất nhiều trường hợp đụng ý tưởng của các nhà thiết kế tên tuổi như Chung Thanh Phong, Lý Quý Khánh, Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lê Thanh Hòa... Nhưng có rất ít nhà tạo mẫu thừa nhận chịu ảnh hưởng bởi các nhà thiết kế hay thương hiệu lớn khác. Nếu như không chọn cách im lặng, đa số lời giải thích thiên về sự trùng lặp ý tưởng hay phổ biến hơn là "đi theo xu hướng chung". Ranh giới giữa trùng ý tưởng và đạo thiết kế vì vậy rất mong manh.
Bộ sưu tập đầu tay của quán quân Project Runway Vietnam Hoàng Minh Hà từng bị phát hiện có nhiều chi tiết tay bồng, bèo nhún... giống bộ sưu tập của Gucci. Hoàng Minh Hà cho biết, anh cảm thấy quá bất ngờ khi bị quy chụp là ăn cắp ý tưởng. Anh cho rằng mình chỉ đi theo các xu hướng đang thịnh hành của làng mốt thế giới. Đầu năm 2014, Angela Phương Trinh tiếp tục gây xôn xao khi diện một bộ váy rồng phượng giống Phạm Băng Băng của Lê Thanh Hòa. Nhà thiết kế giải thích, anh thực hiện bộ váy dựa trên gợi ý của Phương Trinh nhưng có cách làm của riêng mình.
Hoàng Minh Hà với bộ sưu tập "Black Rose" có nhiều chi tiết tương đồng với thương hiệu Gucci (giữa). |
Nhà thiết kế Lý Quý Khánh từng phản bác mạnh mẽ khi bị cho là "đạo" thiết kế của Phương My: "Nếu đứng ở góc cạnh hợp tác hơn thì nhìn tất cả không hề giống nhau. Tôi cũng không cần phải nói lên điểm khác nhau vì ai có hiểu biết về thời trang sẽ nhận ra ngay".
Với những lập luận trên, không chỉ công chúng, ngay cả những người trong giới chuyên môn cũng bối rối khi được đề nghị xác định đâu là hàng nhái, đâu là sự bắt nhịp xu hướng chung. Thêm nữa, người dùng vẫn chưa thật sự quyết liệt với các trường hợp ăn cắp mẫu, bởi bản thân họ cũng có suy nghĩ "đẹp là đủ".
Để nhận định một mẫu thiết kế có ăn cắp hay không, người ta thường dựa vào tinh thần, phong cách của nhà thiết kế thể hiện qua sản phẩm từ trước đến nay. Nhưng điều này chỉ áp dụng được cho một số thương hiệu có lịch sử phát triển, có phong cách rõ ràng - vấn đề còn khó xác định với các thương hiệu thời trang trong nước.
Nhìn nhận thẳng thắn, nhà thiết kế Quỳnh Paris cho rằng, không có việc trùng nguồn cảm hứng, sự tương đồng. Chỉ có sự copy và những lý do chối bỏ điều đó. Với chị, ngay cả việc chạy theo xu hướng cũng chưa hẳn là điều tốt vì nó sẽ làm cho thời trang Việt giẫm chân tại chỗ, khó tìm được bản sắc riêng.
Không chỉ đụng ý tưởng với nước ngoài, nhiều nhà thiết kế trong nước từng bày tỏ sự bức xúc khi bị đồng nghiệp xào nấu sản phẩm của mình một cách thản nhiên. Nhà thiết kế Huy Trần cho rằng, mẫu váy mà Mỹ Tâm mặc khai trương thương hiệu vào cuối năm 2012 là một sản phẩm ăn cắp chất xám của anh, vì chúng giống nhau đến 80%. Nhà thiết kế Quỳnh Paris cũng khẳng định, có nhiều nhà thiết kế tên tuổi đã copy những hình thái thuộc về style riêng của chị như hoa 3D, dáng phồng, tua rua... Theo họ, việc tạo ra một bộ váy nhái là hành động coi thường sự sáng tạo cũng như sức lao động của thương hiệu gốc.
Sự trùng hợp về ý tưởng cũng như thời gian công bố của hai nhà thiết kế Công Trí - Đỗ Mạnh Cường khiến hai bộ sưu tập được đem ra so sánh khá kỹ. |
Tuy nhiên, cũng có nhiều người kinh doanh thời trang suy nghĩ thoáng và thực tế hơn về tình trạng này. Người mẫu Ngọc Trinh, người vừa mở cửa hàng riêng ở TP HCM, thừa nhận: "Tôi không ngại nếu người ta bảo tôi thiết kế hàng nhái, vì tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà thiết kế. Các mẫu mã có khi là êkíp phác thảo, có khi là tôi lên mạng mày mò, học hỏi hay nhập trực tiếp từ nước ngoài. Cả cửa hàng của tôi cũng là học hỏi từ hệ thống showroom của Chanel, vì tôi thích sự tinh tế và sang trọng của thương hiệu này".
Ngọc Trinh cũng khẳng định, cô chỉ làm những gì thật sự hot và có tính ứng dụng cao. "Tôi là người kinh doanh nên suy nghĩ thực tế lắm. Nếu khách đặt may một bộ trang phục giống 100% hàng hiệu, tôi sẽ nhận nếu nhắm làm được. Thời trang là thứ thay đổi liên tục, mà khách của mình đâu phải ai cũng có vài nghìn USD để sắm hàng hiệu". Đồng quan điểm đó, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa cho rằng, trong điều kiện thời trang nước nhà mới phát triển, nhà thiết kế và thương hiệu phải dung hòa nhiều thứ, trong đó có nhu cầu của khách và doanh thu để tồn tại. Anh đưa ra bằng chứng, đến cả các thương hiệu bình dân nổi tiếng của phương Tây như Mango, Zara... cũng thường sao chép mẫu từ các thương hiệu lớn để phục vụ cho đối tượng tầm trung. Còn các ông lớn trong làng mốt cũng đụng ý tưởng nhau liên tục.
Cả ba nhà mốt (từ trái qua) Jason Wu, Mango, Victoria Beckham cùng khai thác gam màu xanh quân đội, kỹ thuật đắp màu khối. |
Là người vướng nhiều nghi án đạo thiết kế và cũng có nhiều bộ sưu tập bị copy mẫu, Đỗ Mạnh Cường đã chấp nhận thực trạng này như một quy luật tất yếu trong công việc. Ngay sau khi anh hé lộ một vài mẫu trong bộ sưu tập họa tiết bướm bằng bộ ảnh thời trang, nhiều shop thời trang, hiệu vải... của Sài Gòn đã bày bán tràn lan họa tiết này. Trong buổi họp báo công bố show diễn Thu Đông 2013, Đỗ Mạnh Cường cho biết, đây là điều anh không ngờ tới, nhưng nó cũng chứng tỏ anh vẫn là người có sức ảnh hưởng và tạo ra xu hướng trong thị trường. "Về chuyện doanh thu thì tôi không ngại, vì tôi có đối tượng khách hàng riêng và biết phân biệt rõ hàng thật khác hàng nhái chỗ nào".
Chia sẻ trên trang cá nhân những hình ảnh trong bộ sưu tập mới vừa bị một shop online khác copy và rao bán đại trà, nhà thiết kế Li Lam tỏ ra khá bình thản: "Tôi chỉ thấy tội cho họ, vì làm hàng nhái nghĩa là họ đã theo sau mình rồi. Tôi không lên án vì biết họ sẽ không dừng lại, mà họ có dừng lại thì cũng có một người khác làm". Nhưng việc bị copy ý tưởng cũng là động lực để cô thay đổi liên tục, không bị hòa lẫn với những người đi sau.
Tuy nhiên, một số nhà thiết kế xem trọng chuyên môn vẫn không chấp nhận phương án "cười xòa" cho qua trước những gì không đúng đắn. Nhà thiết kế Quỳnh Paris nói: "Tôi thông cảm với những người trẻ vì doanh thu nên chạy theo thời thế. Tuy nhiên, tôi không đồng tình nếu điều đó trở thành 'thương hiệu' để nhận diện dấn ấn riêng của họ, để họ tự hào và cổ súy mọi người bắt chước". Quỳnh Paris cho rằng, nhà thiết kế cũng phải là người định hướng cho khách chứ không phải chỉ chiều theo ý họ. Cũng như các sao cần nói không với hàng nhái thì công chúng mới dần dần hiểu và tôn trọng sự sáng tạo cũng như bản quyền.
Vân An