Đối với một hãng thời trang, nhà thiết kế được xem là linh hồn, là người quan trọng nhất để quyết định sự thành bại. Các chiến lược kinh doanh sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có các mẫu quần áo hợp mốt, được sáng tạo độc quyền. Chính vì vậy, khi nhà thiết kế quyết định rời một hãng thời trang mà họ gắn bó từ lâu, đó sẽ là tin chấn động không chỉ với các thương hiệu mà còn với giới mộ điệu. Cùng điểm lại những cuộc chia tay bất ngờ và khó quên nhất của làng mốt.
tom ford rời gucci năm 2004
Người đàn ông hào hoa Tom Ford và một chiến dịch quảng cáo của ông cho Gucci. |
Trước khi đến với Gucci, Tom Ford từng làm việc cho Chloe, Perry Ellis. Tuy nhiên, chỉ đến khi trở thành nhà thiết kế cho nhãn hiệu thời trang của Italy, tài năng của Tom Ford mới thực sự thăng hoa. Những năm 90, Gucci đang rơi vào khủng hoảng và cần "thay máu". Sự mới mẻ của chàng trai đến từ bên kia Đại Tây Dương đã giúp thương hiệu này "lột xác" hoàn toàn. Từ việc chuyên thiết kế đồ nam ready-to-wear, Tom Ford dần mở rộng sang thiết kế nước hoa, túi xách thậm chí là cửa hàng cho Gucci. Doanh thu và tiếng tăm của hãng dần tăng lên từ khi có Tom Ford.
Năm 2004, nhà thiết kế lập dị rời khỏi Gucci sau khi ông và CEO Domenico de Sole - hai con người đã làm nên câu chuyện thần kỳ phục hồi Gucci - không thể thương lượng với sếp bên trên của tập đoàn PPR về công tác điều hành.
Nicolas Ghesquière rời Balenciaga năm 2012
Nhà thiết kế Nicolas Ghesquière và một mẫu "đình đám" trong BST cuối cùng của anh cho Balenciaga. |
Sau 15 năm cộng tác và đưa tên tuổi Balenciaga lên một tầm cao mới, nhà thiết kế người Italy Nicolas Ghesquière cũng bất ngờ nói lời chia tay với thương hiệu thời trang Pháp. Năm 1997, chàng trai 25 tuổi chính thức trở thành giám đốc sáng tạo của Balenciaga. Những thiết kế mới mẻ của Ghesquière như áo khoác cổ cao, quần ôm sát hay túi Lariat đã mang về cho nhãn hiệu thời trang này lượng fan đông đảo.
Tuy nhiên, sau 15 năm, Nicolas Ghesquière cảm thấy bế tắc trước con đường phát triển tương lai cho thương hiệu. Cùng những mâu thuẫn không thể giải quyết, ông quyết định rời khỏi Balenciaga, lúc đó đang được quản lý bởi PPR - công ty sở hữu Gucci.
Nicola Formichetti rời Mugler năm 2013
Nicola Formichetti chụp ảnh cùng Lady Gaga - khách hàng và cũng là bạn thân của anh nhiều năm qua. |
Nicola Formichetti là nhà thiết kế của thương hiệu đến từ nước Pháp Thierry Mugler trong vòng hai năm, trước khi anh chuyển qua làm việc cho Diesel vào tháng 4 năm nay. Chia sẻ về sự ra đi này, Formichetti cho rằng, anh đã tìm được bến đỗ mới phù hợp với tính cách khá quái của bản thân, đồng thời thêm cơ hội để đưa tên tuổi phát triển toàn cầu.
Nicola Formichetti được biết đến là stylist riêng một thời của Lady Gaga đồng thời là người thiết kế những bộ đồ siêu quái dị cho nữ ca sĩ này.
Alannah Hill đóng cửa thương hiệu cá nhân năm 2013
Tuy có phong cách cá nhân khá "quái" nhưng những thiết kế của Alannah Hill lại được nhiều cô gái yêu thích vì màu sắc tươi tắn, đường nét tinh tế và có tính ứng dụng cao. |
Alannah Hill là nhà thiết kế thời trang người Australia, được biết đến với thương hiệu mang tên cá nhân được yêu thích trên thế giới. Alannah Hill có 42 cửa hàng phân phối toàn cầu trước khi nhà thiết kế này quyết định rời khỏi làng mốt, đồng thời chấm dứt luôn thương hiệu.
Những mẫu thiết kế của Alannah Hill thường có màu sắc tươi sáng, rực rỡ, kiểu dáng hiện đại, tôn lên vẻ đẹp của những quý cô thành thị sành điệu.
Emma Hill rời Mulberry năm 2013
Emma Hill chụp ảnh cùng Alexa Chung trong hậu trường một chiến dịch quảng cáo của hãng. Cô đang diện mẫu túi xách nổi tiếng nhiều năm nay của Mulberry. |
Emma Hill là người đã đưa Mulberry từ một hãng chuyên bán phụ kiện thành một thương hiệu thời trang cao cấp. Rồi cô chia tay hãng này sau nhiều năm cộng tác. Về lý do ra đi đột ngột của Emma Hill, nhiều thông tin cho rằng cô có tham vọng xây dựng một thương hiệu sang trọng, xa xỉ riêng. Bộ sưu tập của cô cho Mulberry tại Tuần thời trang London năm nay là sản phẩm cuối cùng của cô cho nhà mốt này.
Marc Jacobs rời Louis Vuitton năm 2013
"Người đàn ông thích mặc váy" và một mẫu trong BST cuối cùng của anh cho Louis Vuitton. |
Gây chấn động hơn cả là sự ra đi của Marc Jacbobs sau 16 năm cộng tác với Louis Vuitton. Từ một hãng chuyên bánh hành lý, đồ da, Louis Vuitton trở thành đế chế thời trang toàn cầu nhờ có sức sáng tạo vô biên của Marc Jacobs. Tại Tuần lễ thời trang Paris năm nay, "người đàn ông thích mặc váy" đã trình diễn bộ sưu tập cuối cùng của mình cho LV trước khi chính thức ra đi để tập trung vào nhãn hiệu thời trang mang tên mình.
Song Quỳnh