Tọa đàm " trang phục truyền thống Việt Nam qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại" do nhóm Đình làng Việt và Đại học Văn hóa tổ chức sáng 29/9 tại Hà Nội. Sự kiện nhằm giới thiệu một số trang phục trong các phim lịch sử nhưng cũng được coi như một cách kêu gọi dư luận xã hội trong hành trình đi tìm quốc phục Việt Nam.
Có mặt tại buổi tọa đàm, họa sĩ Đức Hòa đặt vấn đề: Với nữ giới, tà áo dài qua nhiều lần chuyển đổi đã mặc nhiên được coi như một biểu tượng quốc gia, sử dụng trong các nghi lễ hay sự kiện trọng đại của đất nước. Trong khi đó, việc tìm ra nam phục truyền thống thích hợp với những hoàn cảnh lễ lạt, sự kiện lớn của quốc gia vẫn là một câu hỏi khó.
Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, đơn vị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ thiết kế lễ phục cho nhà nước - đặt ra tính cần thiết và cấp bách của việc này trong điều kiện đất nước đang hội nhập quốc tế.
Hành trình tìm quốc phục nam - "đề bài" chưa nhất quán
Việc thiết kế lễ phục truyền thống đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa đi tới kết quả cụ thể. Họa sĩ vi kiến thành cho biết trong năm 2014, Cục đã tiến hành ba cuộc tuyển chọn lễ phục một cách bài bản. Họ tổ chức hội thảo ba miền nghe ý kiến các chuyên gia lịch sử, thời trang nhưng đều không đạt được thống nhất. Cục cũng mời các nhà thiết kế nổi tiếng hiện nay của Việt Nam thiết kế lễ phục nhưng đều không có kết quả mong muốn. Cuộc thi thiết kế lễ phục năm 2014 thất bại vì không tìm được mẫu nào đạt.
Ông Thành cho rằng không phải chúng ta không có nhà thiết kế tài năng mà bởi không đồng thuận về quan điểm, trước hết là từ các nhà lãnh đạo. "Thiết kế đưa ra mỗi lãnh đạo nói một quan điểm khác nhau. Có người muốn lễ phục là áo dài khăn xếp truyền thống, người lại vẫn muốn lễ phục là comple, cà vạt. Như thế tức là ngay đề bài mà các lãnh đạo đưa ra đã không có sự thống nhất thì làm sao có thể nói tới việc lựa chọn mẫu thiết kế nào", Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm nói.
Những người tham gia tọa đàm mặc các mẫu trang phục đậm chất truyền thống Việt Nam. |
Theo ông Vi Kiến Thành, những người chịu trách nhiệm thiết kế lễ phục quốc gia đã "đi đường thẳng" nhưng không thành công. "Giờ đây chúng tôi phải đi đường vòng, mất thời gian hơn, bằng cách tạo tranh luận, tìm ra đồng thuận của xã hội trước rồi mới đi đến kết quả là thiết kế và lựa chọn trang phục nào".
Tại tọa đàm, các họa sĩ mạnh dạn giới thiệu một số trang phục thiết kế cách điệu từ áo the khăn xếp để thăm dò phản ứng của xã hội. Ông Đức Hòa cùng Vi Kiến Thành và nhiều đại biểu khác cùng mặc những bộ áo dài nam truyền thống năm thân, làm từ vải đũi tơ tằm, kết hợp quần âu, giày tây. Mẫu trang phục được khá nhiều người có mặt khen ngợi.
"Cái gì cũng cần thời gian và không thể đưa ngay vào được. Đây chỉ là một thử nghiệm của chúng tôi, nhằm tiếp thu những đóng góp của mọi người trong quá trình xây dựng quốc phục, đặc biệt là nam phục thích hợp với những lễ nghi quốc gia trong bối cảnh đời sống đương đại", họa sĩ Đức Hòa nói.
Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng giới thiệu thêm những mẫu trang phục trong một số phim lịch sử Lều chõng, Trò đời, Long Thành cầm giả ca...
Nhiều người có mặt tại sự kiện đã trầm trồ khi chứng kiến một số trang phục từng được thiết kế cho các nhân vật như đại thi hào Nguyễn Du, Toản Quận công Nguyễn Khản, nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhân vật cô Tuyết "ngây thơ" hay bà phán Hoàng Hôn trong Trò đời... được trình diễn trên sân khấu.
Một số trang phục trong các bộ phim được giới thiệu trên sân khấu. |
Những người tham gia làm nên các trang phục này là họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (thiết kế mỹ thuật), họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (thiết kế phục trang) hay Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn phim Lều chõng, giám đốc sản xuất phim Trò đời... - đều khẳng định để làm nên những trang phục này, họ chú trọng trên hết vào yếu tố thuần Việt và đẹp chứ không phải trung thành với sự thật lịch sử như làm một bộ phim tư liệu.
"Có những cái đúng sự thật lịch sử nhưng không có tinh thần thuần túy Việt Nam, nó lai căng và không đẹp. Nhiều lúc, khi phải lựa chọn giữa sự thật lịch sử và cái đẹp, chúng tôi chọn cái đẹp. Mục đích và mong mỏi của chúng tôi là khiến mọi người khi xem phim phải thấy rằng đây chính là phim Việt Nam chứ không phải phim của Trung Quốc hay Đài Loan. Ngoài ra, phục trang nhân vật còn phải phù hợp với cốt tinh thần của nhân vật đó", đạo diễn Thanh Vân nói.
Chưa nhìn vào tiểu tiết, có thể thấy phần lớn trang phục đều gợi cảm giác thuần Việt, tái hiện tinh thần của đời sống Việt Nam ở một số giai đoạn mà các bộ phim mô tả.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt cho rằng bên cạnh lựa chọn những gì tinh túy của bản sắc Việt thì cần tăng tính tuyên truyền, lặp đi lặp lại những hình ảnh đó để tạo thói quen trong tư duy của mọi người rằng đó là trang phục Việt. Theo ông Việt, việc đi tìm quốc phục có tương lai nhưng cần đi dần từng bước. Ông cho rằng những người thiết kế lễ phục truyền thống hay trang phục phim lịch sử cứ mạnh dạn mà làm, không sợ các nhà lịch sử bởi chính ông khi đi đào mộ khảo cổ cũng không biết được chính xác trang phục của người xưa là gì.
Anh Sa
Ảnh: Hà Tuyên