ralph lauren cho biết sau khi rời ghế CEO, ông sẽ giữ vị trí Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc sáng tạo cho công ty. Mọi hoạt động của thương hiệu ralph lauren sẽ được Stefan Laursson báo cáo lên ông. Tuy vậy, nhà thiết kế 75 tuổi cho biết mối quan hệ giữa ông và stefan larsson không phải sếp với nhân viên mà là "đối tác".
Stefan Larsson (phải) là người kế vị Ralph Lauren ở vị trí CEO cho hãng thời trang đình đám. Ảnh: Nytimes. |
Stefan Larsson năm nay 41 tuổi, từng làm Chủ tịch Old Navy - một nhãn thời trang của Gap dành cho thị trường bình dân. Stefan Larsson được giới chuyên môn ca ngợi vì giúp cho thương hiệu thoi thóp như Old Navy được hồi sinh sau khi ngồi ghế điều hành năm 2012.
Ban đầu, khi Stefan Larsson được ban giám đốc đề cử, Ralph Laurn đã kịch liệt phản đối: "Tôi hỏi họ rằng: Hắn ta từ đâu tới? Old Navy và H&M ư? Tại sao tôi lại phải quan tâm tới hắn nhỉ? Chúng ta đang xây dựng một công ty thời trang cao cấp mà". Ngay cả lúc trước khi hai người gặp nhau tại bữa tối bí mật ở New York, Ralph vẫn tự hỏi vì sao mình lại ở đây và nghĩ buổi hẹn này thật phí thời gian.
Trong khi đó, về phía Stefan Larsson, khi nhận được lời mời dùng bữa tối với Ralph tại New York, anh cũng đã rất băn khoăn. "Tôi đã rất chần chừ. Tại sao một người như Ralph lại có hứng thú nói chuyện với tôi", anh nói.
Đến khi trò chuyện, hai người lại tìm được sự đồng cảm và thấu hiểu mãnh liệt. Ralph cho biết ông đã phỏng vấn với vô số người trong giới thời trang cao cấp nhưng Stefan có đủ tố chất để khiến ông thốt lên câu: "Cậu sẽ là CEO mới của tôi". Nhà thiết kế khen ngợi người kế vị có khả năng kinh doanh giỏi, biết làm cho công ty phát triển đồng thời rất quan tâm đến cảm giác của những người xung quanh. Ông thậm chí còn cảm thấy mình sẽ học hỏi được nhiều điều từ "đàn em".
Bộ sưu tập Xuân Hè của Ralph Lauren ra mắt năm 2001 từng khiến làng thời trang thích thú. Ảnh: Nytimes. |
Theo Nytimes, việc Ralph Lauren rời ghế CEO sau 48 năm tại vị là để giúp cho công ty tìm được cơ hội ổn định về tài chính. Trên thị trường thời trang cao cấp gần đây, các sản phẩm thuộc nhãn hiệu Polo của hãng gặp nhiều khó khăn lớn do áp lực từ sự thay đổi giá trị của đồng đô la cũng như sức cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ. Báo cáo tài chính mới của hãng cho thấy doanh thu đã giảm 5,3% so với năm ngoái. Giá trị cổ phiếu của Ralph Lauren cũng bị tụt xuống gần một nửa trong năm nay.
Dù gây bất ngờ khi lựa chọn quản lý cấp cao từ ngoài công ty, động thái của Ralph Lauren nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. Các chuyên gia cho rằng hầu hết hãng thời trang hiện tại muốn thành công đều phải có hai người điều hành về sáng tạo và tài chính riêng biệt, từ Yves Saitn Laurent, Calvin Klein, Valentino đến Giorgio Armani. Ralph Lauren là một trong số ít người đảm nhận hai vị trí cùng lúc trong suốt hai năm qua sau sự ra đi của COO Roger Farah. Tuy vậy, quyết định mới của ông cũng cho thấy đã đến lúc tách bạch hai vị trí quan trọng này.
Ralph Lauren sinh năm 1939 tại New York trong một gia đình người Do Thái nhập cư. Năm 1967, ông bắt đầu thiết kế cà vạt cho đàn ông với thương hiệu Polo. 5 năm sau đó, Ralph cho ra đời dòng áo polo kinh điển làm từ vải thun, tay cộc, cổ gập cùng hình ảnh đại diện cho môn thể thao quý tộc ở Anh một thời. Năm 2010, nhà thiết kế được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao huân chương cao quý của quốc gia này là "Chevalier de la Legion d'honneur" (tạm dịch: Bắc đẩu bội tinh) vì những cống hiến của ông cho ngành thời trang. Đầu 2015, ông được Forbes bầu chọn là người giàu thứ 155 trên thế giới với số tài sản trị giá 8 tỷ USD.
Thành Trương