Trong vài năm gần đây, tín đồ thời trang sành điệu bên ngoài các tuần thời trang danh tiếng được chú ý. Phong cách đường phố nhờ đó dần trở thành một phần không thể thiếu của giới thời trang hiện đại.
Bắt đầu từ thập niên 1970, những tấm ảnh thời trang đường phố đầu tiên được khởi xướng bởi nhiếp ảnh gia Bill Cunningham. Nhưng mãi đến giữa những năm 1990 nó mới chính thức được biết đến. Kể từ đó đến nay là khoảng thời gian đủ dài để thời trang đường phố định hình và phát triển.
"Thời trang đường phố" là cụm từ được dùng để chỉ trang phục mà mọi người thường mặc khi ra phố, được chụp lại một cách tự nhiên. |
Những người trong nghề này thường chụp chân dung các cô gái trẻ xinh đẹp, ăn mặc hợp mốt, xuất hiện bên ngoài các show thời trang hay sự kiện văn hóa, thời trang tầm cỡ. Với họ, thầm lặng đứng bên lề đường nhìn các cô gái khoe vẻ sành điệu là một thú vui đặc biệt. Không những vậy, họ còn phải luyện đôi mắt của mình để bắt gặp và nhanh chóng ghi lại những xu hướng thời trang phổ biến trong năm, vốn được các cô xử lý một cách khéo léo và tinh tế trong từng set đồ, phụ kiện.
Giờ đây, cứ mỗi khi đến các tuần lễ thời trang hai lần mỗi năm, bốn kinh đô thời trang thế giới gồm Paris, London, New York và Milan lại tràn ngập các nhiếp ảnh gia đường phố từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Số lượng của họ thậm chí có thể áp đảo số khách mời của tuần thời trang. Không những thế, các phó nháy như đang hỗn chiến, lổn nhổn đứng, ngồi để có góc hình đẹp mọi lúc mọi nơi.
Ulyana Sergeenko không chỉ là nhà thiết kế nổi tiếng của Nga mà còn là một tín đồ thời trang đường phố đẳng cấp. |
Gần như bất cứ ai hoặc sở hữu gu thẩm mỹ tốt, hoặc có phong cách lạ mắt đều có thể trở thành đối tượng cho các nhiếp ảnh gia đường phố. Các tín đồ thời trang đình đám được giới trong nghề nhanh chóng nhận diện dễ dàng nhờ tạo được sức hút tự nhiên từ chính vẻ ngoài sành điệu cùng thần thái chuyên nghiệp. Điển hình như Anna Dello Russo, stylist người Italy kiêm biên tập viên tạp chí Vogue Nhật Bản, được mệnh danh là ngôi sao thời trang đường phố nổi tiếng nhất hiện nay. Hay tổng biên tập Emmanuelle Alt của tạp chí Vogue Pháp cũng xây dựng phong cách thời trang “effortless” đậm chất dân thành thị Paris. Vài cái tên quen thuộc khác của cộng đồng thời trang có thể kể đến gồm: Miroslava Duma, Natalie Joos, Leandra Medine, Susie Lau…
Bên cạnh những phong cách tự nhiên và thuần chất, thời trang đường phố đang dần bị biến tướng . Học giả Brent Luvaas, người chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa nhân chủng học và phong cách đường phố, nhận định rằng khái niệm street style bắt đầu bị bóp méo khi người chụp hình có chủ ý, hoặc đưa người mẫu ra ngoài đường chụp hình thay vì chụp ngẫu nhiên bất kỳ người nào đó.
Năm ngoái, blogger thời trang Leandra Medine đã viết một bài khẳng định “thời trang đường phố” đang bị gắn mác giả tạo. Cô cũng thừa nhận rằng mình từng phạm phải sai lầm này: “Có những khoảnh khắc quyết định mặc thứ gì lên người, tôi đã cố gắng sắp đặt để có được những tấm ảnh đẹp. Có một ma lực khó cưỡng lại khi bạn có thể đứng hiên ngang giữa phố, mỉm cười tự hào trước một dàn máy ảnh hùng hậu đang liên tiếp chớp đèn. Sau khi ảnh được đăng khắp blog, trang web, Instagram, hào quang của giới thời trang sẽ nhanh chóng bao lấy bạn, cái tôi sẽ được đề cao. Rồi bạn sẽ muốn lặp lại điều này mãi”.
Nhiều cô gái thay quần áo liên tục và sắp đặt chụp ảnh. |
Nhiếp ảnh gia thời trang Garance Doré cũng tâm sự rằng: “Những tấm ảnh ấy không thể gọi là street-style vì đó thật sự không phải thời trang đường phố, phải gọi là fashion-week style thì đúng hơn”. Còn theo nhiếp ảnh gia kỳ cựu Tommy Ton của tạp chí Style cho rằng:“Ai cũng hiểu rằng trong các sự kiện thời trang thế giới, hầu hết các tín đồ thời trang đường phố chưng diện không phải cho bản thân mình mà chủ yếu để dễ dàng lọt vào tầm ngắm của các phó nháy, và hy vọng có chỗ đứng trên một trang web nào đó”.
Không ít trường hợp tự nhận mình là tín đồ thời trang, sẵn sàng thay vô vàn set đồ một ngày khi đi dự sự kiện chỉ để liên tục làm mới mình trước ống kính. Đường phố lúc ấy chẳng khác nào một sàn catwalk cho những người không tên tuổi muốn làm nên sự nghiệp.
Mặt khác, những món thời trang hàng hiệu khoác lên người các fashionista như một cách truyền tải ngầm thông điệp về đẳng cấp và sự giàu có của chủ nhân. Vì vậy, thời trang đường phố dường như mất đi bản chất tự nhiên của nó khi ngày càng nhiều cô gái được trả tiền để mặc trang phục hàng hiệu “có mục đích”. Cách làm này đã và đang trở thành một hình thức trưng bày và quảng cáo sản phẩm thời trang kiểu mới. So với việc các tạp chí thời trang cử biên tập viên đi review bộ sưu tập để viết bài quảng cáo, hình thức này hoàn toàn khác biệt và tỏ ra hiệu quả hơn trong việc tiếp cận các khách hàng trẻ tuổi và chịu chi. Phương thức tiếp thị này tỏ rõ lợi thế gần gũi: nếu một blogger hay người nổi tiếng đăng ảnh mặc trang phục nào, món đồ ấy sẽ dễ dàng bán chạy hơn.
Sao Mai