Hôm 25/3, báo chí Hoa ngữ đồng loạt đưa tin, một cửa hàng váy cưới của vera wang ở Thượng Hải áp dụng chính sách thu phí với khách đến thử đồ. Theo đó, các cô dâu tương lai buộc phải nộp 3.000 tệ (9,8 triệu đồng) mới được thử trang phục của hãng. Nếu thử mà không mua, khách sẽ bị mất không số tiền đó. Thông tin này ngay lập tức gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc - quê hương của nhà thiết kế nổi tiếng Vera Wang. Phần lớn ý kiến kêu gọi tẩy chay thương hiệu này.
Nhà thiết kế Vera Wang ngay lập tức hủy bỏ chính sách gây tranh cãi. |
Hai ngày sau (27/3), trong một thông cáo báo chí, đại diện hãng tuyên bố: “Vera Wang xóa bỏ việc thu phí thử đồ tại mọi cửa hàng váy cưới của hãng trên toàn thế giới, bắt đầu từ 27/3”.
Chính nhà tạo mẫu Vera Wang cũng trả lời trên WWD rằng: “Sau khi khảo sát kỹ và xem xét lại toàn bộ chính sách của mình, chúng tôi quyết định bãi bỏ quy định thu tiền thử đồ. Chúng tôi mong muốn mọi khách hàng của Vera Wang đều được phục vụ như nhau trên toàn thế giới. Đối đãi với khách một cách công bằng, hợp tình hợp lý luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Trước đó, khi giải thích về chính sách này, Vera Wang đưa ra lý lẽ “bảo vệ bản quyền các thiết kế”. Nhưng nhiều người cho rằng, bằng cách áp dụng luật phí thử đồ, hãng này muốn tạo sự phân biệt đối xử giữa khách hàng thân quen và khách bình dân. Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng ở Thượng Hải này còn cho biết, họ thu phí nhằm “ngăn chặn những em sinh viên, học sinh chưa định cưới, không định mua Vera Wang nhưng vẫn thích vào thử đồ”.
Sở hữu một chiếc váy Vera Wang trong ngày cưới là ước mơ của nhiều cô dâu. |
Trong khi dư luận Trung Quốc ầm ĩ, báo chí phương Tây có cái nhìn bình tĩnh hơn về sự việc. Báo Telegraph dẫn lời một chủ cửa hàng thời trang cho rằng, bên cạnh sự bất bình về một việc hiếm thấy, phản ứng của người Trung Quốc còn xuất phát từ sự tự ái, khi chính sách này chỉ áp dụng đầu tiên và duy nhất ở Thượng Hải. Nhiều tờ báo khác, tuy không ủng hộ việc thu phí thử đồ, nhưng cũng thừa nhận nạn sao chép mẫu thời trang tại Trung Quốc là quá phổ biến.
Li, một người bán hàng trên Taobao, một trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc cho biết: “Có tới 90% số váy tự nhận là ‘phong cách Vera Wang’ trôi nổi trên thị trường nước này hiện nay không hề có nguồn gốc sản xuất rõ ràng”. Một mẫu váy Vera Wang có giá 2.000 - 10.000 USD nhưng trên Taobao, người ta có thể mua được “váy kiểu Vera Wang” thậm chí với giá 100 USD.
Li, từ chối tiết lộ tên thật, cho biết trên Reuters rằng, không cần phải vào shop thử đồ mới ăn cắp được mẫu. Nhà máy của Li ở Tô Châu - một thành phố gần Thượng Hải - dễ dàng “may váy Vera Wang hàng loạt”, dựa vào ảnh chụp các sản phẩm của hãng này trên website. Sau đó, Li sẽ rao bán trên mạng, mỗi chiếc giá từ 600 tệ đến 1.700 tệ.
Theo một thống kê năm 2012, Trung Quốc là nước có lượng hàng giả, hàng nhái tuồn sang Mỹ và EU nhiều nhất.
Huyền Anh