Gió thu vừa chạm gò Tây
Gò Đông thiếp đã ngây ngây má hồng
Hai câu thơ trên là lời đoán đưa ra để giải thích về một quẻ xăm ở Lăng Ông Lê Văn Duyệt, TP. HCM vào một ngày cuối năm gần Tết. Người xin xăm là một cô gái khoảng 19-20 tuổi muốn được mách bảo về đường hôn nhân của mình trong năm mới. Và người đoán xăm là một cụ già đã hơn 80 tuổi bận khăn đóng áo dài ngồi trên chiếc chiếu trải ngay trước Lăng. Cô gái thân chủ xin cụ giải thích rõ hơn.
Cụ già ở Lăng Ông cũng đưa ra lời đoán về một thẻ xăm khác của một cô gái trạc 22 – 23 tuổi hỏi về đám cưới của mình sắp tới. Cụ lật cuốn sổ bọc điều để dò tìm rồi đọc hai câu:
Chiều xuân má đỏ hây hây
Đồi Đông gió giục gò Tây dạt dào…
Cô gái không hiểu gì hết, bấy giờ cụ già mới giải thích là chiều xuân tức lễ cưới tốt nhất của cô là tiến hành vào 3 tháng đầu năm mới. Cô hỏi tại sao gọi “đồi Đông” mà không gọi “gò Đông” (cho khớp với hai chữ “gò Tây”) trong hai câu thơ trên. Ông cụ cười, nhìn cô ta một chặp, chậm rãi trả lời:
- Cháu hãy chú ý chữ “đồi” xưa nay người ta có thể dùng để chỉ một ngọn núi nào đó, còn chữ “gò” nôm na là dùng để chỉ một giồng đất thấp thoai thoải,thấp hơn đồi nhiều lắm. Thế thì vì sao quẻ này dùng chữ “đồi” và chữ “gò” để chỉ hai gò má của cháu có biết không?