Sự phân cấp trong thị trường xe máy Việt Nam dường như đang bị xóa nhòa, người tiêu dùng trở nên mông lung vì định mức tài chính sử dụng cho việc mua xe không còn tác dụng. Nếu như trước đây 50 triệu đồng có thể mua được một chiếc xe cao cấp thì nay, tuy sự trượt giá của đồng tiền là không lớn nhưng khách hàng cũng khó để xác định hầu bao như thế mua được xe hạng trung hay cao cấp. Khái niệm cao cấp dần mất chỗ đứng.
Thương hiệu cao cấp Vespa LX125 cũng đã nội địa hóa. Ảnh: Piaggio. |
Một nghịch lý trong tâm lý người tiêu dùng mà hãng xe nào cũng gặp phải đó là nhu cầu vượt quá khả năng. Vài năm về trước, khi Honda hay piaggio chưa nội địa hóa SH hoặc Vespa thì sở hữu những chiếc scooter này là cách khẳng định đẳng cấp, nhiều người muốn xe hạ giá để có thể sở hữu. Đến khi các ông lớn nội địa hóa sản phẩm, giá cả hạ thấp thì niềm tin hàng nhập tốt hơn hàng nội từng bước khiến thương hiệu cao cấp trở nên yếu thế.
Thị trường Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng vì dân số trẻ, kinh tế đang phát triển nhưng thu nhập chưa đủ để sở hữu ôtô, vì thế xe máy vẫn là phương tiện chính. Lỗ hổng thị trường tiềm năng là điều các hãng không thể bỏ lỡ, nếu không nhanh tay sẽ bị đối thủ chiếm chỗ. Khoảng thời gian Việt Nam chỉ có xe số 15-25 triệu, đắt hơn khoảng 30 triệu, xe ga 40 triệu, xe nhập khẩu cao cấp 100 triệu trở lên đã lùi xa, thay vào đó là sự tràn ngập các chủng loại xe ở nhiều phân khúc, chênh lệch nhau dưới 10 triệu đồng.
Vấn đề phát sinh từ việc lấp đầy các lỗ hổng thị trường chính là sản phẩm mà các hãng xe sử dụng không có sự khác biệt. Honda ra mắt PCX không thành công bởi nhu cầu sử dụng một chiếc scooter to lớn, bất tiện không nhiều. Tiếp theo đó, SH Mode ra đời với mức giá thậm chí còn thấp hơn PCX không sáng sủa hơn bởi thiết kế không có gì đặc biệt, thậm chí pha tạp, động cơ cũng như trên các dòng xe đang sử dụng, thương hiệu cao cấp SH từng bước bình dân hóa.
yamaha Exciter chiến thắng nhờ khác biệt hóa. Ảnh: Quang Khải. |
Bên kia chiến tuyến, đối thủ Yamaha không tập trung nhiều vào phân khúc 50 triệu trở lên mà đánh vào dòng xe hạng trung và phổ thông. Thắng lớn của "kẻ cá biệt" Exciter đến nay đánh dấu thành công của hãng xe này, nhấn mạnh quan điểm tập trung sản phẩm hơn là đa dạng hóa. Nhưng Yamaha cũng không hoàn toàn tập trung khi Mio, Ultimo hay xe số Lexam là những thất bại vì không đáp ứng đúng nhu cầu. Taurus và Sirius, Jupiter cũng đang dần mất vị thế vì phiên bản mới không có gì "mới" so với phiên bản cũ.
Quay trở lại phân khúc cao cấp nhất, hàng nhập vẫn được ưa chuộng hơn. Nhưng chiến lược "toàn cầu hóa" khiến hình thức bên ngoài của xe nội và xe nhập không khác gì nhau làm cho người tiêu dùng cũng dè dặt hơn trong quyết định mua hàng. Tâm lý mua xe đắt để chứng tỏ là xe nhập khẩu đã không thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài những xe số và xe ga đã quá quen, một phân khúc thị trường mới đang nổi lên hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai gần, đó là xe côn tay thể thao cỡ nhỏ. Xuất phát từ những huyền thoại suzuki RGV (Su xì-po), FX, Yamaha Z 125 (cá mập) đến Yamaha Exciter, mới đây là Suzuki Axelo thấy rõ niềm đam mê và khao khát xe côn tay của giới trẻ Việt ngày càng lên cao. Nhưng những chiếc xe này vẫn mang khung sườn dạng underbone, trong khi đó mẫu xe nam tính côn tay, "ôm bình xăng" thì hoàn toàn phải nhập khẩu.
Mẫu côn tay mới về Việt Nam Honda CB150R Streetfire. Ảnh: Đức Huy. |
Động cơ dưới 175 phân khối mạnh mẽ, không cần bằng A2, giá cả cũng chỉ như những chiếc xe ga nhập khẩu là các yếu tố khiến phân khúc sản phẩm này nhận được nhiều sự quan tâm. Honda CBR150R, Yamaha R15, FZ16 là những mẫu xe côn tay thể thao cỡ nhỏ đang đắt hàng tại Việt Nam. Rõ ràng trong hoàn cảnh thị trường bão hòa với nhiều sản phẩm tương đồng thì phân khúc mang đến làn gió mới tạo dựng thành công là quy luật tất yếu.
>>Chi tiết Honda CB150R Streetfire
Đức Huy