Để có bằng lái máy bay, các phi công phải trải qua những sự cố khẩn cấp giả định. Tuy nhiên, các bài thi bằng lái xe hơi lại chủ yếu tập trung vào kỹ năng nên hầu hết mọi người chưa có nhiều kinh nghiệm trong các tình huống nguy kịch.
Các chuyên gia tại trang web ôtô nổi tiếng Edmunds.com đã tổng kết cách xử lý cho 10 tình huống khẩn cấp. Nội dung được chia làm 3 phần. Phần đầu tiên ứng phó khi nổ lốp hay mất chân ga. Phần thứ hai tập trung tới những biện pháp để tận dụng sự giúp sức của hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Phần 3 chia sẻ cách khắc phục bánh xe bị trượt khi lao xuống vệ đường và bánh bị trượt.
Tình huống thứ nhất: Nổ lốp
Để sống sót khi nổ lốp, bạn hãy tưởng tượng mình đang bị cảnh sát đuổi. Hãy nhấn ga và lái thẳng lên phía trước. Tiếng lốp nổ khiến hầu hết tài xế giật mình và mắc sai lầm là cho xe chậm dần để tấp vào lề đường. Với chiếc lốp hỏng và đặc biệt ở tốc độ cao, phanh gấp và lái xe vào lề đường khiến bạn dễ gây tai nạn hơn bao giờ hết.
Nổ lốp là một trong những tình huống rất nguy hiểm. Ảnh: Autospies. |
Các chuyên gia ở Edmunds đào tạo tài xế bằng cách ngồi ở ghế sau và cho lốp nổ bằng thuốc nổ loại nhẹ. Gần như không ai mất lái và dưới đây là những bước các học viên đã làm:
Giữ chân ga trong khoảng 2 giây và tiếp tục lái thẳng. Quãng thời gian này đóng vai trò quan trọng, giúp bạn trấn tĩnh để không thực hiện cú phanh hoặc đánh lái chết người.
Sau 2 giây, bạn từ từ nhả chân ga. Lực tác động của chiếc bánh bị nổ khiến chiếc xe chậm dần đến khi dừng hẳn.
Quãng thời gian 2 giây có thể khiến nhiều tài xế cảm thấy khó ước lượng. Theo Edmunds, quan trọng nhất là hãy giữ thẳng lái, để chân xa chân phanh (hoặc chân côn). Khi xe xuống khoảng 45 km/h, bật xi-nhan để tấp vào lề đường.
Những hướng dẫn trên ở điều kiện lý tưởng. Trong trường hợp cần phải phanh sau khi giữ được lái, hãy nhớ thực hiện một cách nhẹ nhàng.
Theo thống kê, hầu hết các vụ nổ lốp xảy ra trên đường cao tốc, thời tiết nóng và lốp non hơi. Vì vậy, hãy thường xuyên kiểm tra áp suất lốp hoặc sử dụng hệ thống hiển thị.
Tình huống thứ hai: Vỡ hoa lốp
Dù xảy ra tương tự nhau về mặt kỹ thuật nhưng vỡ hoa lốp đôi khi còn nguy hiểm hơn nổ lốp. Đây là sự cố mà hoa lốp và dây thép phía trong rời ra một phần hoặc bung ra. Sự mất cân đối về trọng lượng và bề mặt khiến lốp bị đảo khi quay ở vận tốc 1.000 vòng/phút, gây những rung động mạnh cho bình nhiên liệu, ống dẫn dầu phanh, ghế sau, cửa sổ...
Hiện tượng này xảy ra trong vài ngày nhưng cũng có thể chỉ ít giây với tiếng ồn lớn và chắc, sau đó to dần. Đến khi vành sắt trong lốp tiếp xúc với mặt đường bạn sẽ nghe thấy tiếng kim loại bị ma sát.
Để xử lý, bạn hãy nhấp chân ga một chút rồi nhẹ nhàng bỏ ra. Trong lúc đó, tiếp tục lái thẳng tới khi đảm bảo an toàn và cho xe tấp vào lề đường.
Lý do mà tình huống này có thể nguy hiểm hơn cả nổ lốp là khi hoa bị văng ra, tiếng kêu mất và nhiều tài xế cho rằng không có vấn đề gì xảy ra. Trong khi đó, xe đang ở trạng thái hết sức nguy hiểm.
Tình huống thứ ba: Mất chân ga
Hiện tượng bướm ga bị tắc, dẫn tới chân ga mất tác dụng, rất ít khi xảy ra. Nhưng ngay khi thấy động cơ ở trạng thái bắt đầu không thể kiểm soát, hãy dừng xe ngay lập tức và thao tác các bước sau:
Chuyển về số N hoặc cắt côn. Đừng bận tâm về động cơ khi chuyển về số N bởi hệ thống giới hạn tốc độ động cơ trên các xe hiện đại sẽ giúp nó tránh bị hỏng. Sau đó bạn chuyển về số R (số lùi) để tắt động cơ hoặc trở lại số N nếu điều này không xảy ra. Trong trường hợp không thể về số N, hãy tắt khóa khởi động.
Tình huống thứ tư: Tăng tốc bất ngờ
Còn được gọi là tăng tốc không dự tính trước. Nó không xuất phát từ vấn đề kỹ thuật mà do tài xế bất ngờ nhấn chân ga. Đây là sự cố mà hầu hết những người mới lái mắc phải ít nhất một lần, và họ luôn khẳng định ấn chân phanh chứ không phải chân ga.
Khi gặp phải vấn đề này, tương tự như trường hợp mất chân ga, hãy dừng xe ngay lập tức và nhanh chóng chuyển về số N. Trong trường hợp không thể, hãy tắt khóa khởi động.
Phần 2, Phần 3
Nguyễn Nghĩa