Theo quy ước của Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ SAE (Society of Automotive Engineer), đồng hồ công-tơ-mét lắp trên các loại xe ôtô được phép sai số trong khoảng 4%, nghĩa là không được cao hơn hoặc thấp hơn 4 km cho 100 km đi được. Trong khi đó, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA (National Highway Traffic Safety Administration) không có bất cứ quy định nào về sai số của thiết bị này.
Honda Accord 2006, một trong những mẫu được tăng thêm 5% thời hạn bảo hành. Ảnh: Consumerguide. |
Honda cho biết sai số đồng hồ công-tơ-mét của mình cao hơn khoảng 3,75% và thấp hơn 1%. Nếu quãng đường thực tế đi được 100 km thì đồng hồ có thể chỉ 103,75 km hoặc 99 km và nhà sản xuất này cho rằng các giá trị đó vẫn nằm trong tiêu chuẩn của SAE.
Tuy nhiên, hãng xe Nhật Bản vẫn thông báo cho các khách hàng mua xe về việc tăng thời hạn bảo hành thêm 5% và hoàn lại tiền cho quãng đường mà khách phải trả thêm khi thuê xe từ hãng. Theo tính toán, riêng với những khách hàng thuê xe, Honda phải trả lại khoảng 6 triệu USD. Những xe được gia hạn bảo hành được sản xuất từ 2002 đến 2006 đới với sản phẩm của Honda. Còn với Acura, mác xe hạng sang của Honda, lệnh trên áp dụng cho các mẫu sản xuất từ 13/4/2002 đến 7/11/2006.
Bình luận về sự cố này, người phát ngôn của Honda, Chris Martin, cho biết: "không chiếc đồng hồ nào là hoàn hảo". Tuy nhiên, vì lợi ích của khách hàng, Honda quyết định đưa ra chính sách trên. "Từ 2007, đồng hồ công-tơ-mét trên mỗi chiếc xe Honda có sai số bằng 0", Chris Martin nói.
Không chỉ có Honda, Nissan và Toyota cũng đang nằm trong tầm ngắm của giới luật sư về sai số của thiết bị trên. Theo những tính toán trong đơn kiện của luật sư James Holmes, Texas, Mỹ, chiếc Altima của Nissan chạy nhanh hơn từ 2,5% đến 3% so với thực tế. Nissan đã bắt đầu có những hành động bảo vệ mình nhưng từ chối bình luận.
James Holmes cho biết, công-tơ-mét chạy nhanh hơn thực tế giúp các hãng giảm chi phí bảo hành do thời hạn đến sớm hơn.
Nguyễn Nghĩa (theo USAToday)