Tại quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định như sau:
Vạch số 1.16 màu trắng (là một dạng đảo mềm) dạng góc nhọn (số đo của góc phụ thuộc vào hướng của dòng phương tiện). Đường bao của góc có chiều rộng 10 cm, các vạch ở trong có chiều rộng 40 cm và cách nhau 1,2 m. Trong đó:
1.16.1 là vạch ở trong chạy cắt chéo góc nhọn thành những tam giác, xác định đảo phân chia dòng phương tiện ngược chiều nhau.
1.16.2 là vạch ở trong hình gãy khúc có đỉnh nằm trên đường phân giác của góc nhọn cùng chiều với góc nhọn, xác định đảo phân chia dòng phương tiện theo cùng một hướng
1.16.3 là vạch ở trong hình gãy khúc có đỉnh nằm trên đường phân giác ngược chiều với góc nhọn, xác định đảo nhập dòng phương tiện.
Mặt khác, quy chuẩn này còn nêu rõ ý nghĩa sử dụng các vạch 1.16 như sau:
1.16.1 xác định đảo phân chia dòng phương tiện ngược chiều nhau.
1.16.2 xác định đảo phân chia dòng phương tiện theo cùng một hướng.
1.16.3 đảo nhập dòng phương tiện.
Các ranh giới của đảo là vạch liền (vạch số 1.1) còn trong phạm vi ranh giới là các vạch song song độ xiên hướng về dòng xe định tách hay định nhập, nếu diện tích đảo nhỏ thì có thể sơn cả bề mặt, cấm phương tiện đè lên vạch.
Như vậy, vạch số 1.16 được sử dụng để xác định đảo phân chia hay đảo nhập dòng phương tiện. Tuy nhiên, các ranh giới của đảo là vạch liền (vạch 1.1) được quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định: “Phân chia 2 dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều nhau, xe không được đè lên vạch”.
Khi tham gia giao thông trên các tuyến đường có các vạch số 1.16 người điều khiển phương tiện giao thông không được đè lên vạch. Đối với các trường hợp có hành vi đè lên vạch này sẽ bị xử lý theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh ( Đoàn Luật sư TP Hà Nội)