Các hãng xe Đức ít khi dùng trí tuệ của mình cho những thứ được coi là "không tưởng". Đới với họ, mỗi sản phẩm làm ra phải có khả năng đưa vào đời sống. Nếu không chúng sẽ chẳng còn giá trị. Đặc điểm này hoàn toàn trái ngược với những hãng xe Nhật, vốn thích những công nghệ mang tầm "chiến lược" như chiếc concept I-unit của Toyota hay người máy Honda ASIMO.
Vì thế, dù được mệnh danh là "xe hơi của tương lai" tại Frankfurt 2007 thì F 700 cũng được hiểu là nó dành cho tương lai gần, tức xe vẫn chạy xăng và có 4 bánh chứ không như viễn cảnh "ôtô cá nhân" chạy điện mà Toyota hình dung ra với I-swing.
F 700 có kết cấu gần giống CLS. |
Ngoại thất F 700 vẫn là những chi tiết đặc trưng của Mercedes trong những năm gần đây. Dường như sau khi tìm ra cho mình một phong cách thiết kế lưới tản nhiệt sang trọng và riêng biệt, Mercedes đã ngầm coi đó là "ngôn ngữ" và không muốn thay đổi.
Chiều dài tổng thể bằng S-class nhưng F 700 có nội thất rộng hơn rất nhiều. Đơn giản vì các kỹ sư đã bỏ khoang chở đồ và kéo ca-bin đến tận đèn hậu - tương tự kiểu xe station wagon. Vì thế mà phần đầu và thân F 700 không khác gì CLS nhưng đuôi lại giống dòng hatchback.
Nhờ đó, nội thất F 700 rộng và thoáng như trên khoang máy bay. Chạy ngay giữa xe là một bức tường bằng da cao ngang thắt lưng người ngồi và ngăn 4 ghế thành 4 khu biệt lập.
Toàn bộ khoang chở đồ được đưa vào ca-bin. |
Trong thông cáo báo chí, Mercedes không nhắc tới lý do tại sao lại sáng tạo nên một cấu trúc như vậy. Do vậy, các chuyên gia đành tự lý giải có lẽ Mercedes cho rằng doanh nhân trong tương lai sẽ thường xuyên sử dụng laptop ngay trên xe nên làm sẵn một giá đỡ. Ngoài ra, do liên tục di chuyển nên họ cần năng lượng, vì thế, các kỹ sư làm một ngăn để rượu, đồ ăn và các thử lỉnh kỉnh khác.
Để cạnh tranh với iDrive của BMW, Mercedes trang bị cho F 700 giao diện Servo-HMI (Human-machine interface). Servo-HMI giảm sự rắc rối trong cách bố trí nút điều khiển và thư mục để người lái thao tác một cách dễ dàng nhất.
Dưới nắp ca-pô, Mercedes cho biết F 700 sẽ lắp động cơ mới nhất mà hãng này phát triển - DiesOtto.
DiesOtto tích hợp tăng áp turbin nhằm tăng công suất, đồng thời sử dụng công nghệ phun xăng trực tiếp để cải thiện hiệu suất. Sự sáng tạo của DiesOtto so với các động cơ khác nằm ở chỗ khó có thể gọi nó là động cơ xăng hay dầu.
Nội thất sang trọng và thoáng như khoang máy bay. |
Khi khởi động hoặc chạy với tốc độ cao, tương tự động cơ xăng, DiesOtto sử dụng bu-gi để đánh lửa đốt hỗn hợp nhiên liệu - không khí. Ở vận tốc trung bình, quá trình cháy trong xi-lanh DiesOtto giống động cơ diesel, nghĩa là không dùng bu-gi đánh lửa mà nén ở áp suất cao cho đến khi hỗn hợp tự bắt cháy.
Hãng xe hạng sang Đức khẳng định dù có dung tích 1,8 lít nhưng DiesOtto sở hữu tính năng không hề thua kém động cơ 3,5 lít V6 máy xăng hay 3,0 lít V6 chạy diesel đang được trang bị trên S-class. Thế nhưng, DiesOtto chỉ tiêu hao nhiên liệu ở mức 5,3 lít/100 km.
Công nghệ nổi bật nữa trên F 700 là hệ thống treo PreScan. Hai máy quét laser liên tục kiểm tra tình trạng mặt đường phía trước và đưa thông tin tới bộ xử lý trung tâm. Tại đây, các thông số của hệ thống treo điều khiển thủy lực được thay đổi sao cho thích hợp nhất, tạo cảm giác dễ chịu cho hành khách. Bất cứ một vật cản nhỏ nào cũng được xem xét để điều chỉnh.
Trọng Nghiệp
Ảnh: Autoblog