Kế hoạch được người đứng đầu Lamborghini, Stephan Winkelmann, công bố ngày 26/10. Trong 3 năm qua, kết quả kinh doanh của hãng tăng lên chóng mặt với doanh thu 2003 tăng 81% và 41% một năm sau đó. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm qua khỏi giai đoạn khó khăn - lần đầu tiên có lãi 4,8 triệu USD năm ngoái - thì Lamborghini lại gặp phải vấn đề khác, đến mức Chủ tịch Winkelmann chỉ mong lợi nhuận năm 2005 sẽ dừng ở mức… như năm trước. Nguyên nhân là Lamborghini không thể sản xuất quá 2.000 xe một năm bởi số nhân công của hãng tính đến 2004 vỏn vẹn 726 người và nhà máy tại Sant Agata chỉ lắp ráp xe, còn các phụ kiện như khung, nội thất lại chuyển từ các nhà cung cấp khác.
Murcielago mui xếp tại Triển lãm xe hơi Tokyo 2005. Ảnh: X.O. |
Trong 40 năm tồn tại, Lamborghini bán khoảng 250 chiếc xe mỗi năm. Kể từ 2001, nhà sản xuất này bán đúng hai dòng xe, một là chiếc coupe Murcielago có giá 289.000 USD và phiên bản mui xếp của nó. Mẫu thứ hai là coupe Gallardo V10 giá 176.000 USD. Tính đến năm 2002, Lamborghini sản xuất chưa đầy 7.500 chiếc và kỷ lục bán ra đạt được vào năm ngoái với 1.592 xe.
Quyết định "trái khoáy" của Stephan Winkelmann làm nhiều người nhớ lại những ông chủ bất bình thường trong lịch sử Lamborghini. Bắt đầu từ Ferruccio Lamborghini, "gã nông dân" làm giàu từ hai bàn tay trắng nhờ sản xuất máy kéo bằng phế phẩm và thành lập hẳn một hãng sản xuất xe đua chỉ vì ức chế với Enzo Ferrari. Tiếp đến là Patrick Mimran, người mua lại Lamborghini năm 1984 với giá 3 triệu USD sau thời kỳ khủng hoảng. Thế nhưng, 3 năm sau, đúng vào lúc "ăn nên làm ra", Mimran lại bán Lamborghini cho tập đoàn Chrysler để thu về 10 triệu USD một cách hết sức bí mật.
Bản thân Chrysler cũng chỉ chứa chấp Lamborghini đúng 7 năm trước khi sang tên hãng cho một nhóm nhà đầu tư đến từ... Indonesia. Cuối cùng, tới năm 1998, Audi, hãng xe nước Đức thuộc tập đoàn khổng lồ Volkswagen, mới bỏ ra 419 triệu USD để sở hữu “con bò tót” và làm tái sinh hình ảnh của nó trong những năm gần đây.
Nguyễn Nghĩa