Trong bài viết " bình cứu hỏa mini phát nổ trong cốp xe BMW ở Hà Nội", một độc giả nói về sự cố nổ bình cứu hỏa nổ trên xe BMW như sau: "Cũng may bình cứu hỏa để trong cốp xe, chứ để ngay chỗ tài xế ngồi mà bị nổ trong lúc đang chạy tốc độ cao trên quốc lộ thì không biết chuyện gì xảy ra, giờ nó trở thành 'bình rước họa' chứ không phải bình cứu hỏa nữa".
Cùng mang tâm trạng lo lắng phần lớn độc giả đều cho rằng xe đã cháy thì với cái bình cứu hỏa nhỏ bé cũng không thể giải quyết được gì. Những người trong xe nên trang bị kỹ năng thoát hiểm hơn là trang bị bình chữa cháy vì mỗi xe có cách khoá cửa khác nhau và không phải ai cũng biết. Quan trọng nhất vẫn là tính mạng.
Một độc giả bức xúc: "Khi xe đã cháy thì bình 50 kg cũng không dập nổi chứ đừng nói cái bình bằng bắp tay này. Giải pháp là từ gốc, phải bảo trì, kiểm định nghiêm túc xe thường xuyên chứ khi đã cháy rồi thì đành chịu".
Có ý kiến cho rằng trang bị bình chữa cháy như hiện nay là vi phạm khuyến cáo của nhà sản xuất vì bình chưa cháy dễ gây nổ bình do bị rung lắc khi di chuyển hoặc khi trời nắng nóng nhiệt độ trong xe (khi đỗ) có thể vượt ngưỡng an toàn. "Mới có 2 tuần mùa đông đã 5 có vụ nổ bình rồi, mùa hè sẽ ra sao. Có khi nào phải trang bị thêm hệ thống làm mát bình cứu hỏa trên xe để chống nổ?" một độc giả ở Hải Phòng cho hay.
Đồng quan điểm độc giả tại TP HCM cho biết thêm: "Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì bình chữa cháy thì phải để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, nhiệt độ ngưỡng là -10 độ C đến 50 độ C. Với thời tiết ở TP HCM thì nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C là bình thường, khi đỗ nhiệt độ trong xe phải lên đến hơn 60 độ C nên rất nguy hiểm. Thà chịu phạt còn hơn khi nào cũng canh cánh sợ nổ...".
Độc giả khác cho rằng khi đưa ra quy định cần dựa trên cơ sở khoa học, dẫn chứng cụ thể: bao nhiêu chiếc xe ôtô bị cháy, nếu có bình cứu hỏa tỷ lệ cứu được bao nhiêu, trung bình các xe bị cháy thiệt hại bao nhiêu, lắp bình cứu hỏa thật sự có lợi ích kinh tế, an toàn hay không... phải có dẫn chứng, số liệu cụ thể, làm như vậy các chính sách, quy định người thực hiện mới phục.
"Phạt 100 lần là 30 triệu. Một đời người chắc gì tôi bị phạt đến 100 lần. 30 triệu vẫn vẫn còn rẻ hơn tiền sửa xe chưa kể đến tính mạng cả gia đình. Tôi chấp nhận chịu phạt" một độc giả khác từ TP HCM tính toán.
Cũng chấp nhận chịu phạt một độc giả khác bức xúc cho biết: "Tôi thà bị phạt còn hơn là để quả bom trong xe gây nguy hiểm đến tính mạng cá nhân tôi và vợ con. Tôi nhất quyết không chấp hành".
Nhiều độc giả còn tiêu cực với cách xử lý như: "Chắc tôi phải xịt hết bọt ra, để cái bình không trong xe thôi".
Một phụ nữ tại Hà Nội cho biết: "Từ khi có Thông tư 57 chưa nghe được trường hợp nào dùng bình cứu hỏa chữa được xe cháy nhưng hôm nay lại nghe bình cứu hỏa tự nổ trong xe. Tôi cũng mua một bình 200.000 đồng, sáng mai phải bỏ ra khỏi xe rồi mới dám đi để đảm bảo an toàn cho xe và tính mạng".
Khi thiết kế xe các nhà sản xuất đã tính toán về độ an toàn cháy nổ. Tất cả các phụ tải trên xe đều có các cầu chì, khi bị chập điện sẽ hạn chế khả năng cháy nổ. Trong trường hợp xe cháy do va chạm và nguồn gây chập do nhiên liệu tốt nhất nên chạy khỏi xe càng xa càng tốt.
Với đa phần ý kiến lo ngại, câu hỏi được đặt ra lúc này là có nên trang bị bình cứu hỏa hay chịu phạt như một số ý kiến trên?
Ngọc Điệp
Thông tư 57 của Bộ Công an quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC. Với ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe và khuyến cáo không nên để trong cốp xe tránh nhiệt độ cao. Căn cứ vào Nghị định 167/2013, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng nếu phương tiện phòng cháy chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Công an, trong thời gian tới, cảnh sát giao thông không được dừng phương tiện để kiểm tra và phạt lỗi thiếu bình cứu hỏa. |