Li Rifu dành trọn tìm cảm của mình cho chiếc xe đầu tiên. Năm nay 46 tuổi, người nông dân kiêm thợ sửa đồng hồ đã cùng vợ giấu niềm hy vọng tậu ôtô trong nhiều năm. Mục tiêu của họ là giúp hai con trai, một 22 và một 24 tuổi, kiếm người yêu, cưới vợ và sinh cháu.
Một năm rưỡi trước, kế hoạch bắt đầu có kết quả. Sau khi Li mua chiếc Geely King Kong giá 9.000 USD, cả hai nhanh chóng có bạn gái. Người anh cả đã cưới sau quãng thời gian "cưa cẩm" ngắn ngủi nhưng nhiều lần đi dã ngoại cùng nhau. Ở đó đôi tình nhân được tự do trao những nụ hôn thầm kín.
Những gia đình mang giấc mơ như Li là nguyên nhân khiến các tập đoàn xe hơi coi Trung Quốc là nơi kiếm lời bậc nhất thế giới. Người dân ở đây không mấy khi quan tâm ôtô gây ra những vấn đề to tát nào về môi trường. Họ mua theo nhu cầu.
Li Rifu trong ngày mua chiếc Geely King Kong hồi tháng 9/2006. |
Hãng nghiên cứu thị trường J. D. Power & Associates tính toán có tới 80% xe mới ở Trung Quốc được bán cho những người lần đầu tiên sở hữu ôtô. Con số này duy trì suốt 4 năm qua, đủ để chứng tỏ tốc độ tậu xe của người dân nước này lớn đến mức nào.
Tính chất thị trường của Trung Quốc ngược hẳn với Mỹ. Cũng theo J. D. Power & Associates, chưa tới 10% lượng xe mới ở Mỹ thuộc về những người mua lần đầu tiên.
Nguyên nhân của sự khác biệt rất đơn giản là người Mỹ sử dụng xe hơi gần 100 năm nay. Trong khi đó nó lại hoàn toàn mới mẻ ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Trở lại với gia đình Li. Ngày mua xe là thời điểm khó tả với người đàn ông lam lũ này. Thức dậy từ sớm, trước khi bình minh của một ngày tháng 9/2006 kịp tới, Li chuẩn bị bữa sáng cho vợ và các con. Sau đó trèo lên chiếc xe máy màu trắng, đi dạo một vòng quanh những con đường quen thuộc.
Li dành phần lớn thời gian cho ngôi nhà ông bà để lại, nằm nép dưới một chân đồi. Mang giấc mơ giống như người Mỹ, Li tự học rất nhiều thứ để có thể đổi đời. Anh theo lớp học sửa chữa đồng hồ và kiếm được vị trí quản đốc tại mỏ than gần tỉnh An Huy. Công việc đến sau khi Li sửa đồng hồ cho ông chủ mỏ than.
Tiết kiệm được ít vốn, Li trở về nhà và bắt đầu phát đạt. Anh thuê 5 nông dân trồng hoa trên trang trại của mình.
Vào buổi sáng tháng 9 đó, Li vượt qua quãng đường lầy lội bùn đất, tới con đường nhựa 4 làn và sau đó là 6 làn xe, nơi đại lý Geely đóng đô. Anh thích một chiếc xe màu đen nhưng các con lại chọn màu trắng, gam màu giới trẻ lúc đó đang mê. Li quyết định chiều ý hai cậu.
"Không có ôtô, con trai tôi không thể kiếm vợ. Các cô gái sẽ không lấy chúng", Li nói và nhớ lại thời đi hỏi vợ những năm 1980. Khi đó anh chỉ cần một chiếc xe đạp và thay tới 6 chiếc lốp trong những chuyến chở người yêu đi chơi.
Li chọn chiếc King Kong màu trắng và lái thử một đoạn ngắn. Ra quyết định nhanh chóng, anh trở về showroom, leo lên tầng ba nộp 9.000 USD mua xe và 1.000 USD làm biển.
"Vài ngày sau, cả nhà ai cũng muốn cầm lái", Li nói đầy vẻ tự hào. Giấc mơ của anh lúc đó là được lái ôtô xuyên Trung Quốc, tới thăm Bắc Kinh và Tây Tạng.
Chiếc xe tạo cơ hội cho anh ký nhiều hợp đồng hoa béo bở. Khách hàng thường thốt lên: "Anh tới thăm tôi bằng xe hơi" và đó là dấu hiệu họ đặt Li lên đẳng cấp khác.
Vài tháng sau, Fengyang, người con cả có bạn gái tên Jin Ya. Cô gái xinh đẹp này bán hàng cho China Mobile, một hãng dịch vụ di động. Thêm 5 tháng nữa, họ đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Giờ đây cả hai đều muốn có con.
Vào một bữa cơm tối mà phóng viên của Businessweek dự, Jin đã đỏ mặt trước nhận xét các cô gái trẻ Trung Quốc chỉ cưới những người đàn ông có khả năng mua xe hơi.
"Không phải tôi! Không phải tôi!", Jin thốt lên. Tuy nhiên cô cho biết các cô gái khác thường yêu cầu chồng tương lai phải có ôtô.
Chiếc King Kong mang lại cho gia đình Li nhiều niềm vui. Công việc kinh doanh tốt lên, con trai cưới vợ. Thế nhưng Li và vợ anh, Chen Yanfe, lại gặp chuyện buồn. Cả hai phát hiện mình bị ung thư.
Bệnh của Chen có phần thuyên giảm sau khi bỏ ra 7.000 USD chữa trị. Nhưng Li bị nặng hơn và anh phải trải qua 2 đợt điều trị với 4 lần hóa liệu. Tổng chi phí là 40.000 USD.
Bảo hiểm y tế địa phương chỉ có thể trả khoảng 4.300 USD cho mỗi người một năm, nên Li đã bán rất nhiều thứ trong nhà. Hiện giờ, anh vẫn phải nằm viện. Tham dự bữa tối với gia đình, Li đội chiếc mũ, ngượng ngập che những mảng tóc bị tróc sau đợt hóa liệu.
Hai tuần nữa anh tới bệnh viện hàng đầu Trung Quốc ở Thượng Hải để chữa thêm. Từ nhà tới đó mất 5 tiếng lái ôtô. Tuy nhiên Li không còn được ngồi trên chiếc xe của gia đình. Anh bán hồi năm ngoái để lấy 8.000 USD.
Bệnh tật là điều bình thường và ai cũng có nguy cơ gặp phải. Thế nhưng ở Trung Quốc, trong lúc nhiều gia đình bước vào tầng lớp trung lưu, tậu ôtô thì số khác lại rơi xuống do thất bại trong kinh doanh, do bệnh tật và nhiều nguyên nhân. Họ không thể mua ôtô một lần nữa.
Zhu Jinyung, một thợ sửa cơ khí sống gần làng của Li, cho biết gia đình anh từng có một chiếc xe giá rẻ vào năm 1994, sau khi trúng mánh kinh doanh máy ép nhựa. Thế nhưng Zhu đã bán nó khi tình hình trở nên tồi tệ.
Điều đáng buồn là gia đình Li biết rõ xu hướng này. Người con út, Fengwei cũng có bạn gái nhờ sự giúp đỡ của chiếc xe. Cô là con gái một giám đốc nhà máy lớn, người có rất nhiều ấn tượng với Li. Thế nhưng, cha cô vừa chết hai tuần trước vì bị một đường ống lớn rơi xuống.
Bỏ qua tất cả những sự cố không may đến với gia đình, Li vẫn lạc quan. Giờ anh mơ có lại sức khỏe, kiếm tiền để chi trả thuốc men và như nhiều người đàn ông Trung Quốc khác là sắm ôtô mới.
"Nếu tậu chiếc mới, tôi sẽ chọn loại to hơn, có những chiếc ghế đẹp và tay lái tốt hơn King Kong".
Trọng Nghiệp (theo Businessweek)