Điều đó có nghĩa, các hãng phải tốn thêm tiền để hiệu chỉnh lại xe nhằm thỏa mãn hai tiêu chuẩn thử nghiệm an toàn khác nhau. Họ tin rằng có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đô chi phí nếu các tiêu chuẩn này được thống nhất nhờ một thỏa thuận thương mại tự do.
Ví dụ trong cùng một thử nghiệm va chạm, tại Mỹ, một chiếc xe sẽ chạy với tốc độ 56 km/h và tông vào một barrier bằng bê-tông cứng. Nhưng nếu xe bán tại châu Âu, các tiêu chuẩn an toàn sẽ buộc chiếc xe phải đương đầu với một barrier không cố định ở tốc độ 64 km/h. Sự khác biệt có vẻ rất nhỏ, nhưng lại khiến những người đứng đầu các hãng xe đau đầu và gây ra những khoản chi phí không hề nhỏ.
Khi các nhà làm luật ở hai bờ đại dương nhất quyết không chịu nhường nhau, thì các hãng xe phải chịu thân phận "ruồi muỗi" và chi thêm tiền để xe của họ đáp ứng các tiêu chuẩn thử nghiệm an toàn khác nhau. Ảnh: IIHS. |
Theo tờ Autonews, các nhà sản xuất đang đề nghị các học viện tìm ra cơ sở chung giữa các tiêu chuẩn của hai "phe". Những nhà vận động hành lang của các hãng đến từ cả hai bờ Đại Tây Dương đã nhờ Viện nghiên cứu giao thông của Đại học Michigan (Mỹ) cũng như SAFER, một nhóm nghiên cứu giao thông của Đại học Chalmers (Thụy Điển), giúp thuyết phục các nhà chức trách về lợi ích của sự thống nhất các tiêu chuẩn an toàn.
Viện nghiên cứu giao thông Đại học Michigan và SAFER sẽ thu thập dữ liệu và đưa ra một phương pháp luận vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5/2014. Các học viện có thể tiến hành phân tích và có báo cáo cuối cùng vào cuối năm 2014, khoảng thời gian dự kiến Mỹ và châu Âu sẽ hoàn thiện một thỏa thuận thương mại tự do.
Đây không phải lần đầu tiên các hãng ôtô tìm cách "đảo chính". Cuối những năm 1990, họ từng đề nghị Cơ quan quản lý an toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) cân bằng các thử nghiệm va chạm bên của Mỹ và châu Âu. Nhưng NHTSA bác bỏ thỉnh cầu trên, và cho rằng các tiêu chuẩn của châu Âu không đủ để bảo vệ hành khách ở hàng ghế phía sau.
Mỹ Anh