Nếu lái xe trong trời mưa là một kỹ năng được lưu ý rất nhiều ở Việt Nam thì lái xe trong trời có tuyết rời lại hoàn toàn mới lạ. Về tính chất, đường có tuyết rơi cũng như đường mưa, trơn trượt nhưng mức độ phức tạp và nguy hiểm thì cao hơn nhiều. Dưới đây là 10 kỹ năng khi lái xe trong trời mưa tuyết mà các tay lái cần ghi nhớ.
1. Độ bám đường
Nguy hiểm đầu tiên cần nhắc đến là sự trơn trượt do đường ướt, vì thế lốp xe cần có khả năng bám đường tốt nhất. Để chuẩn bị cho xe khi bước vào mùa mưa tuyết, cần bỏ loại lốp đã mòn hay quá nhẵn, dành cho đường mùa hè, thay vào đó là loại có nhiều rãnh, gai để tăng độ bám đường.
Ở những nước châu Âu thường xuyên phải chống chọi với mưa tuyết, người ta còn sử dụng loại lốp chuyên dùng được gọi là lốp mùa đông, có cách cấu tạo cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo độ bám đường tốt nhất khi đi đường ngập tuyết.
2. Tầm nhìn
Tầm nhìn khi có mưa tuyết thường bị hạn chế, do đó kính chắn gió trước mặt lái xe, gương chiếu hậu là những bộ phận cần sạch sẽ. Đối với kính chắn gió, không những mặt ngoài mà mặt trong cũng phải sạch, không bị đọng hơi nước.
Kiểm tra và thay thế loại cần gạt nước tốt khi tới mùa mưa tuyết. Có thể sử dụng thêm loại nước rửa kính có tác dụng chống đóng băng .Khi ra ngoài lâu, nên rũ sạch tuyết ở trang phục như giày, quần áo trước khi vào trong xe bởi lượng tuyết có thể chuyển thành hơi nước làm mờ kính.
3. Sử dụng điều hòa
Để đảm bảo lượng hơi nước có trong cabin không bị ngưng tụ làm mờ kính xe, nên bật điều hòa và chọn chế độ lấy gió ngoài (Fresh Air). Nhiều xe ôtô tự động điều hòa ở chế độ này khi thiết lập cho mùa đông.
4. Hệ thống đèn
Đèn pha, đèn sương mù, đèn tín hiệu đảm bảo hoạt động tốt. Trước mỗi chuyến đi nên lau sạch bề mặt các đèn để cung cấp độ sáng tốt nhất. Với điều kiện trời mưa, tuyết nên để đèn pha ở chế độ chiếu gần (cos) cùng với đèn sương mù. Ngoài ra, để cẩn thận hơn, có thể dán thêm những miếng đề can phản quang ở trước, sau và hai bên thân xe.
5. Hệ thống phanh
Cần luyện tập kỹ năng phanh trong điều kiện đường trơn ướt để sử dụng khi gặp trường hợp thực tế. Việc sử dụng phanh có chống bó cứng khá đơn giản qua các bước: đạp phanh, giữ và đánh lái. Trong trường hợp bất ngờ, chỉ nên đánh lái một chút, bởi nếu đánh lái quá mạnh có thể khiến xe đi khỏi quỹ đạo một quãng đường xa gây nguy hiểm.
Khi đang chạy trên đường có nước đóng băng trên bề mặt hay bị phủ tuyết thì việc phanh khác biệt đôi chút. Sau khi đạp mạnh phanh, hệ thống ABS hoạt động khiến pedal hơn rung hoặc nghe thấy âm thanh kích hoạt, lúc này nên thả bớt chân phanh một chút tới khi hết rung.
Cho những xe không có hệ thống ABS, chỉ còn cách lái xe phải học cách nhấp nhả thành thạo, đạp mạnh phanh cho tới khi bánh xe ngừng quay, rồi ngay lập tức nhả chân phanh, lặp lại hai bước trên đều đặn tới khi xe dừng an toàn. Để chắc chắn không phải dùng quá nhiều phanh, nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, xa hơi so với điều kiện thời tiết bình thường.
6. Cẩn thận với "băng đen"
"Băng đen" là loại băng trong suốt bám trên mặt đường, lúc này chỉ có màu đen của nền đường phản chiếu đến mắt lái xe nên cảm giác như vũng nước vô hại. Loại băng đen này sẽ khiến bánh xe mất độ bám với mặt đường. Khi đi vào vùng có hiện tượng này, tài xế nên thử phanh nhẹ hoặc đánh lái nhẹ sang hai bên để kiểm tra độ trơn trượt của mặt đường và khả năng bám đường của lốp.
7. Ghi nhớ những điểm khó đi
Trên các cung đường quen, mỗi tài xế cần nhớ những điểm nào hay bị đóng băng, trơn trượt, để có cách đối phó phù hợp. Ví dụ những nơi thấp, bình thường hay đọng nước, những khu vực gần vòi phun công cộng...
8. Không đánh lái mạnh
Khi đã bị mất lái, phản ứng tự nhiên của nhiều người là tiếp tục đánh lái, nhưng đó là một sai lầm vì không mang lại kết quả gì, nhiều khi còn khiến tình trạng tồi tệ hơn. Lúc này, cần bình tĩnh giữ chặt lái, thả chân ga, rà phanh cho tới khi xe dừng lại an toàn.
9. Tránh trượt bánh sau
Nên chọn xe có hệ thống cân bằng điện tử. Nếu không, cần hạn chế những lần đánh lái gấp trên suốt quãng đường. Để làm được điều này, tại các góc cua, nếu điều kiện đường vắng vẻ, nên cố gắng chém cua hết mức, tức là dần đưa xe sang làn đối diện khi tới góc cua, lúc đó bán kính góc cua giảm, việc vào cua gần như đi thẳng.
10. Không phó mặc cho công nghệ
Hệ truyền động bốn bánh, cân bằng điện tử, kiểm soát lực bám hay chống bó cứng đều chỉ có tác dụng trong một giới hạn những tình huống trên đường. Do đó, chỉ còn cách mỗi tài xế cần nắm rõ các kỹ năng, luyện tập nhiều để bình tĩnh đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Minh Hy