Phanh không phải là bộ phận quan trọng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ trong thiết kế của xe, nhưng lại là bộ phận cốt yếu trong vận hành, sự an toàn của người sử dụng. Nhiều tài xế không hình thành thói quen "bắt bệnh" khi xe có dấu hiệu lạ, đặc biệt là hệ thống phanh. Đưới đây là 5 dấu hiệu lâm sàng cho biết phanh xe đã đến lúc cần kiểm tra.
5. Má phanh hỏng
Trước hết tài xế cần hiểu phanh xe hơi hầu hết là phanh đĩa, gồm hệ thống thủy lực đẩy má phanh bắt chặt vào đĩa phanh làm dừng chuyển động quay của bánh xe. Sau một thời gian, má phanh mòn dần và hiệu quả phanh giảm sút.
Má phanh thường là chi tiết dễ hỏng hóc, mài mòn theo thời gian nhất trong hệ thống phanh, tài xế có thể kiểm tra bằng cảm nhận mỗi lần phanh hoặc bằng mắt thường. Nếu cần đạp lực phanh lớn hơn hoặc thời gian để xe dừng lâu hơn, rất có thể má phanh đã mòn nhiều. Bên cạnh đó, nếu thiết kế vành xe không cho phép quan sát má phanh bằng mắt thường thì phải tháo lốp, vành để kiểm tra.
4. Âm thanh lạ
Âm thanh lạ cũng là dấu hiệu thường xuất hiện trên hệ thống phanh, nếu có tiếng két két nghe như tiếng cọ kim loại thì rất có thể má phanh đã mòn, bị đọng cát bụi hoặc nước. Tài xế nên mang xe đi bảo dưỡng kiểm tra ngay hệ thống phanh nếu không muốn rủi ro.
3. Xe lệch hướng
Nếu xe có dấu hiệu "tự lái", tức là xe có xu hướng tự lệch sang trái, sang phải khi chạy hoặc phanh, chứng tỏ xe đã có vấn đề. Đó là khi má phanh bị kẹt. Bởi nếu có một má phanh nào bị kẹt, xe có xu hướng lệch về bên đó.
Tất nhiên, khi xe bị lệch thì nguyên nhân có thể không phải do phanh, mà có thể do lốp một bên ít hơi, bị hỏng, hoặc hệ thống giảm xóc, hệ thống lái gặp vấn đề. Nhưng để chắc chắn, vẫn nê kiểm tra cả hệ thống phanh.
2. Rung xe
Nếu gặp tình huống khẩn cấp, đạp hết phanh với những xe sử dụng chống bó cứng ABS thì cơ chế bắt-nhả liên tục sẽ khiến xe rung lên cho tới khi dừng hẳn. Nhưng nếu xe rung lên trong tình huống tương tự trên xe không ABS, thì hệ thống phanh đang có vấn đề.
Tài xế sẽ cảm nhận được độ rung dội trở lại tới chân phanh. Thông thường, đĩa phanh sẽ không rung, chỉ trừ những trường hợp rất khắc nghiệt như đĩa bị nóng đỏ do rà phanh khi đổ đèo liên tục...
1. Chân phanh không ổn định
Nếu chân phanh khi ăn, khi không thì tức là đã có vấn đề với hệ thống phanh như rò rỉ dầu, không khí, má phanh không đều, dầu phanh bẩn... Tình huống nguy hiểm nhất là khi má phanh bị bắt cứng vào đĩa phanh, hệ thống thủy lực mất tác dụng đàn hồi nên không chân phanh không bật trở lại.
Minh Hy