Đạt thành tích 950 km/lít, Cánh Gió xếp thứ 5 trên tổng số 11 đội tham dự phần thi New Challenge dành cho các đội sử dụng động cơ dung tích từ 50 đến 150 phân khối tại cuộc thi honda emc lần thứ 33 tổ chức tại Nhật Bản hồi giữa tháng 9/2012, cao hơn thành tích 912,661 km/lít mà đội đạt trước đó một tháng ở Việt Nam, gần gấp đôi thành tích 529 km/lít của đội vô địch năm 2011. Những kết quả cho thấy khả năng làm chủ công nghệ của các thành viên trong cuộc thi đòi hỏi tính sáng tạo cao.
Cánh Gió là một trong hai đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Honda Eco Mileage Challenge tổ chức vào tháng 9/2012 tại Nhật Bản. Ảnh: Thế Hoàng |
Mùa EMC 2012 là lần đầu tiên Cánh Gió tham dự. Theo đội trưởng Hoàng Văn Bình việc chế tạo xe vừa khó lại vừa dễ. Bởi không thể tìm được bất kỳ tài liệu nào hướng dẫn chế tạo một chiếc xe tương tự ngoài những gì ban tổ chức cung cấp. Nhưng cũng dễ vì nó là môi trường mở, các đội thỏa sức phát huy tinh thần sáng tạo.
Vỏ xe cản gió ít nhất
Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, 5 thành viên xây dựng kế hoạch làm việc rõ ràng. Trong khi nhiều đội tuyển chỉ tập trung thay đổi động cơ, thì đội trưởng Bình lại hướng các thành viên nghiên cứu sâu khí động học, giảm cản gió.
Anh Bình chia sẻ quá trình xe di chuyển, không khí trượt trên thân tạo ra nhiều vùng khí xoáy cản trở chuyển động. Chênh lệch áp suất giữa phần trên và dưới thân có thể ép xe xuống mặt đường, nhưng cũng có khi đẩy nó lên. Tất cả tùy thuộc vào thiết kế, đặc biệt là cánh gió. Cũng từ ý nghĩ này mà anh Bình đề xuất với các thành viên đặt tên đội là “Cánh Gió”.
Khuôn đúc bằng thạch cao. Ảnh: Thế Hoàng |
Kết quả nghiên cứu kết tinh thành một mẫu thiết kế khí động học. Đội tiếp tục xây dựng khuôn bằng thạch cao và sợi đay. Vỏ xe làm từ vải carbon và keo chuyên dụng. Không chỉ hình dạng, độ nhẵn của bề mặt vỏ cũng được chú ý, yêu cầu đánh bóng vỏ tương đương bề mặt ôtô .
Tăng độ bon trơn
Nếu như vỏ xe ảnh hưởng trực tiếp tới cản gió thì kết cấu khung lại là yếu tố quyết định tới độ bon trơn. Khung xe cần cứng vững. Các bánh và động cơ phải đặt cố định chắc chắn. Đội trưởng Bình giải thích: “Nếu khung không ổn định, quá trình di chuyển bánh dễ bị lắc làm tăng cản mặt đường.”
Đo kiểm tra khung sau khi hàn. Ảnh: Thế Hoàng |
Cánh gió áp dụng biện pháp khá đơn giản để kiểm tra độ cứng vững khung. Cho xe chạy trên đoạn đường xóc. Quan sát các bị trị rung của xe. Phân tích nguyên nhân gây rung. Hàn thêm các thanh gia cường.
Sau mỗi lần cải tiến, đội lại tiến hành đánh giá kết quả bằng việc thả trôi xe trên dốc nghiêng 7 độ. Quãng đường chạy cứ ngày một dài thêm. "Trong các làn kiểm tra chúng tôi đều đặt lên xe đối trọng có khối lượng tương đương với người lái và động cơ, thả cho xe trôi tự do từ một độ cao xác định. Lần đầu xe chạy được 15 m, lần 2 khoảng 25 m. Lần cuối cùng, kết quả thật bất ngờ quãng đường xe chạy lên tới 40 m", anh Bình kể.
Thế Hoàng