Shoshinsha hay Wakaba là từ tiếng Nhật dành cho biểu tượng màu xanh lá và vàng có hình chữ V ra đời từ năm 1972. Các lái xe mới nhận bằng bắt buộc phải dán sticker này trên xe trong một năm. Nhưng quy định chỉ dành cho bằng lái xe tiêu chuẩn, không áp dụng cho xe môtô, xe cỡ lớn hay chuyên dụng. Và tài xế có thể vẫn để sticker gắn trên xe sau khoảng thời gian quy định trên, nếu họ không muốn bóc ra.
Dấu hiệu màu xanh lá-vàng trên xe của tài xế mới tại Nhật. Ảnh: Carview. |
Một nơi khác là Dubai cũng có quy định tương tự, nhưng mới chỉ áp dụng từ năm 2013. Sticker "New Driver" (tài xế mới) sẽ được dán lên xe của người vừa lấy bằng. Ý tưởng được thực hiện sau khi Cơ quan Vận tải và Đường bộ thực hiện khảo sát với các học viên lái xe ở nhiều độ tuổi, quốc tịch và nghề nghiệp khác nhau. Nhiều người mong muốn có một biểu tượng trên xe một khi họ thi xong bằng lái. Tài xế có thể bóc sticker sau 6 tháng.
Một số nơi khác cũng có những quy định tương tự, nhưng thường chỉ dành cho học viên đang học lái xe. Tại Australia, ôtô có dán tấm bảng chữ L ở đầu xe và đuôi xe cho biết tài xế đang ở giai đoạn học lý thuyết của quy trình học và thi lấy bằng lái. Bảng chữ L cũng được áp dụng tại một số quốc gia khác, đối với những người chưa có bằng lái chính thức.
Năm 2010, chính quyền bang New Jersey, Mỹ, áp dụng quy định buộc mọi tài xế hoặc người đang tập lái ở độ tuổi dưới 21 đều phải dán một miếng phản quang trên biển số xe cả phía trước và sau.
Ở Israel, hai năm sau khi lấy bằng, tài xế phải dán bảng chữ P lên xe, dấu hiệu cho biết tài xế mới. Và trong 3 tháng đầu tiên, họ phải có một tài xế kinh nghiệm đi cùng ngồi ở ghế lái phụ.
Tấm biển đặc biệt trên ôtô ở Dubai. Ảnh: The National. |
Cũng ở Dubai, không liên quan tới tài xế mới, nhưng ôtô của các công ty vận chuyển, thương mại có một dấu hiệu riêng, một kiểu đường dây nóng để thông báo về cách lái xe của tài xế. Thường ở phía đuôi xe có dán tấm biển với dòng chữ: "Tôi lái xe có an toàn không? Nếu không, hãy gọi theo số...". Số điện thoại trên tấm biển là của công ty mà tài xế làm việc. Tuy nhiên, có tình trạng một vài số hay toàn bộ số điện thoại bị cạo sạch, có thể do tài xế không thích bị phản ánh về cách họ chạy xe trên đường.
Ngoài quy định nghiêm khắc về dấu hiệu dành cho tài xế mới, Nhật Bản còn có biểu tượng dạng hình bông hoa 4 bánh, cho biết tài xế trên xe là người cao tuổi.
Mỹ Anh