Để lái xe trong đêm an toàn và thư giãn, cần chuẩn bị kỹ về xe cũng như tình trạng sức khỏe của tài xế. Dưới đây là những kỹ năng cần có khi lái xe ban đêm, theo Wikihow.
Phần 1: Nguyên tắc lái xe an toàn
Bước 1: Bật đèn lúc trời chập choạng
Thời điểm khó quan sát nhất không phải là buổi tối mà chính là lúc nhá nhem, sau khi mặt trời lặn. Lúc này dù có thể quan sát được đường nhưng hãy bật đèn pha, bởi đây là cách giúp tài xế khác dễ nhận ra xe của bạn. Thậm chí ở một số nước, bật đèn pha trở thành luật. Ví dụ ở California, xe hơi phải bật đèn pha 1,5 giờ trước khi mặt trời lặn và 1,5 giờ sau khi mặt trời mọc.
Bước 2: Đi chậm
Đi chậm là nguyên tắc đầu tiên cần nhớ về tốc độ khi di chuyển ban đêm, bởi lẽ tầm nhìn hạn chế sẽ khiến tài xế mất nhiều thời gian hơn ban ngày để xử lý các tình huống trên đường. Nên nhớ, tốc độ hạn chế trên đường chưa hẳn là tốc độ hạn chế an toàn. Đừng sợ đi dưới tốc độ hạn chế, làm chậm luồng giao thông. Hãy cho xe khác vượt nếu thực sự cần đi chậm để đảm bảo an toàn.
Bước 3: Tránh say xỉn, mệt mỏi
lái xe ban đêm thường ngay sau bữa ăn tối, do đó tránh đồ uống có cồn cũng như ăn quá no khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ tỉnh táo khi phải căng mắt lái xe. Theo thống kê, tỷ lệ tai nạn do tài xế say xỉn ban đêm gây ra cao gấp 4 lần ban ngày, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.
Bước 4: Nghỉ giữa đường nhiều hơn
Lái xe buổi tối buộc tài xế phải tập trung nhiều hơn ban ngày, do đó hệ thần kinh dễ mệt mỏi hơn. Hãy tăng số lần nghỉ giữa đường so với ban ngày, bất cứ khi nào thấy cơ thể có dấu hiệu mất tập trung, dừng xe nghỉ ngơi chứ không nên chạy cố. Uống một tách trà, cafe, ăn nhẹ hoặc nếu quá buồn ngủ thì tranh thủ chợp mắt một vài phút. Nên nhớ, sự an toàn quan trọng hơn là đến đích chậm một vài phút.
Bước 5: Đề phòng động vật
Khi lái xe đường dài qua những khu vực rừng núi thường có động vật băng qua đường. Hãy tỉnh táo để phản ứng, nhất là khi xe đang đi ở tốc độ cao. Không nên đánh lái vội vàng để tránh động vật, vì ở tốc độ cao có thể gây mất cân bằng, lật xe. Hãy dùng phanh để giảm tốc độ chậm dần, chờ con vật chạy qua hoặc nếu không, ở tốc độ chậm việc đánh lái cũng an toàn hơn. Ngoài ra, có thể xác định có động vật từ xa nếu thấy từ xa có hai đốm sáng gần nhau, đó rất có thể là mắt động vật phản chiếu đèn xe trong đêm.
Bước 6: Đảo mắt
Đừng dán mắt vào khoảng không phía trước, hãy đảo mắt liên tục ra xa, hai bên đường cũng như nhìn vào gương chiếu hậu để chắc chắn xe đang đi ở trạng thái an toàn. Không gian tối đen bên ngoài bao trùm có thể khiến tài xế rơi vào trạng thái phản ứng chậm, lơ mơ mặc dù không hề buồn ngủ.
Bước 7: Đảm bảo yếu tố an toàn như lái xe ban ngày
Do yêu cầu tập trung cao độ nên mọi hoạt động đảm bảo an toàn trên xe đều phải như ban ngày. Chỉnh ghế, gương, thắt dây an toàn, thử hệ thống đèn, còi, bỏ điện thoại di động sang một bên và tập trung khi ngồi sau vô-lăng.
Phần 2: Cải thiện tầm nhìn
Bước 1: Giữ đèn pha, gương, kính chắn gió ở điều kiện tốt nhất
Đèn pha là yếu tố quan trọng nhất khi lái xe ban đêm, hãy rửa đèn pha khoảng vài tuần một lần để giữ độ sáng cũng như tầm chiếu. Nếu gặp vấn đề trục trặc với đèn pha, đừng cố chạy trong đêm vì rủi ro rất dễ xảy ra. Bên cạnh đèn pha, luôn giữ sạch kính chắn gió, gương chiếu hậu để cung cấp tầm nhìn tốt nhất.
Bước 2: Sử dụng chế độ đèn pha hợp lý
Chế độ chiếu xa (pha) sử dụng khi đường hầu như không có đèn, thông thoáng, ít xe di chuyển. Nếu đi theo sát xe khác hoặc giao thông đông đúc, đường có nhiều đèn, tài xế nên để chế độ chiếu gần (cos), bởi để pha sẽ gây khó chịu cho tài xế khác khi ánh đèn phản chiếu qua gương. Bên cạnh đó, chuyển từ pha sang cos khi gặp xe chạy ngược chiều.
Bước 3: Điều chỉnh góc chiếu đèn pha
Độ sáng của đèn pha là chưa đủ, cần phải có góc chiếu phù hợp, không quá cao, không quá thấp. Nếu nhận thấy góc chiếu không hợp lý, hãy mang xe đi chỉnh tại các garage, chi phí cho việc cân chỉnh khá thấp.
Bước 4: Đối phó đèn pha xe khác
Nếu gặp xe đối diện không chuyển từ pha về cos khi đi qua nhau, hãy đánh lái sát vào lề đường, đi chậm hoặc dừng nếu cần thiết, giữ tầm quan sát bên lề đường và phía trước xe để chắc chắn không gặp rủi ro. Nếu xe phía sau đi gần và chiếu đèn pha làm chói mắt, hãy chỉnh gương chiếu hậu để tránh phản xạ ánh sáng vào mắt, thậm chí có thể chỉnh gương để ánh sáng đó hất ngược trở lại tài xế xe sau, họ sẽ hiểu đang làm phiền người khác thế nào.
Bước 5: Lắp đèn sương mù
Nếu phải di chuyển nhiều ở khu vực có sương mù, hãy lắp thêm bộ đèn sương mù nếu xe chưa có. Nhưng nếu chẳng may đang đi gặp tình huống này, có thể tự khắc phục bằng cách dán giấy bóng hoặc băng dính màu vàng vào một nửa đèn pha bên dưới. Ánh sáng vàng có bước sóng ngắn sẽ xuyên qua được màn sương mù giúp tài xế dễ quan sát.
Bước 6: Sử dụng kính chống phản chiếu
Nếu tài xế là người phải sử dụng kính hàng ngày, hãy lắp kính có mắt chống phản chiếu. Bởi nếu luồng sáng của đèn pha xe đối diện chiếu tới kính có thể gây phản chiếu, tạo một màn trắng xóa trước mắt người lái gây nguy hiểm.
Phần 3: tận hưởng chuyến đi đêm
Bước 1: Giữ tỉnh táo bằng cách nói chuyện
Cách giữ tỉnh táo dễ dàng nhất khi có người đi cùng là nói chuyện. Nhưng hãy nhớ đừng tham gia quá sâu vào câu chuyện hay gây ra các tình huống tranh cãi, bởi lẽ nếu quá tập trung vào việc chuyện trò, tài xế sẽ quên mất nhiệm vụ lái xe.
Bước 2: Nghe nhạc
Chọn những bản nhạc yêu thích nhưng mang lại cảm hứng tỉnh táo để nghe. Lưu ý dù có thể yêu thích nhưng những bản nhạc dễ ru ngủ hay mộng mị lại không phải là lựa chọn thích hợp cho việc lái xe.
Bước 3: Các điểm dừng chân
Cuộc sống về đêm có điểm thú vị riêng, vì thế vừa để thưởng thức, vừa để giữ tỉnh táo, hãy ghé vào những điểm dừng chân hoạt động ven đường về đêm nếu không quá vội vàng.
Bước 4: Tận hưởng sự tĩnh lặng
Lái xe vào ban đêm là một trải nghiệm rất mới mẻ cho những ai chỉ quen chạy ban ngày. Sự yên tĩnh, bóng tối giúp tài xế tập trung hơn vào cảm giác vận hành, vào thưởng thức những giai điệu âm nhạc, thậm chí nhiều người còn thích lái xe ban đêm. Hãy tận hưởng cảm giác nhưng đừng quên tập trung vào đoạn đường phía trước.
Minh Hy