Điều hoà trên ôtô là bộ phận quan trọng và cần thiết, đặc biệt là những nước có thời tiết nóng ẩm như Việt Nam. Vào mùa hè, thời tiết luôn trong tình trạng nóng gắt, do đó điều hoà thường xuyên phải hoạt động hết công suất mỗi khi xe vận hành.
Các núm điều chỉnh điều hoà nhiệt độ. Ảnh: Lương Dũng. |
Tránh đỗ xe ngoài trời nắng
Do thiết kế xe dạng kín và nhanh bị nóng bởi ánh nắng mặt trời. Khi đó các thiết bị bên trong xe làm bằng nhựa và da sẽ tạo ra mùi khó chịu chứa chất Benzel và nước sơn cũng bị ảnh hưởng. Nếu phải đỗ xe ở chỗ nắng, người sử dụng nên che đậy xe bằng bạt trùm xe chuyên dụng.
Không bật điều hòa khi chưa khởi động xe
Khi xe chưa nổ máy mà bật điều hoà ngay thì ắc-quy sẽ phải hoạt động để chạy quạt gió. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, thì tuổi thọ của ắc quy sẽ giảm rất nhanh. Khi tắt máy mà chưa tắt điều hòa thì ắc-quy cũng bị ảnh hưởng do phải chịu tải đột ngột. Vì vậy, nên khởi động xe trước khi bật điều hòa và tắt điều hòa trước khi tắt máy.
Hạ cửa kính xe
Việc hạ kính cửa xe trước khi bật điều hòa giúp nhiệt trong xe thoát ra ngoài. Các bộ phận trên xe như bảng táp-lô, ghế da, ốp cửa và nhiều chi tiết khác đều làm từ nhựa. Những chi tiết này khi gặp thời tiết nóng sẽ toả ra mùi khó chịu.
Do đó, trước khi bật điều hòa, nên mở cửa kính xe, khởi động xe bật quạt gió để thổi hết hơi nóng ra ngoài trong 5 phút, giúp không khí trong xe trở nên thông thoáng.
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý
Sau khi thực hiện các bước trên, khi bật điều hòa nên điều chỉnh nhiệt độ làm mát từ từ, không nên để ở mức làm lạnh cao nhất, sẽ khiến dàn lạnh hoạt động quá sức. Ngoài ra, do nhiệt độ quá chênh lệch so với bên ngoài khiến điều hòa hoạt động quá tải, dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu và mau hỏng. Ngoài ra, do nhiệt dộ chênh lệch, khi lên hoặc xuống xe bị ảnh hưởng đến sức khỏe như là bị viêm họng hoặc cảm.
Chọn chế độ lấy gió hợp lý
Có hai chế độ lấy gió cho điều hòa ôtô là gió trong và gió ngoài. Khi lấy gió trong, hệ thống sẽ tuần hoàn không khí trong ca-bin. Ở chế độ này điều hòa làm mát nhanh hơn, không bị ảnh hưởng bởi gió bụi hay mùi ở môi trường ngoài. Nhưng gió trong làm bí, dễ gây buồn ngủ. Ngược lại gió ngoài sẽ là gió tươi, làm mát chậm hơn nhưng khi đi qua đường bụi, chỗ có mùi thì không nên lấy gió ngoài.
Minh Vũ