Gần đây có nhiều tranh cãi khá sôi nổi trên các trang mạng về các quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc, điển hình như một bài viết của tác giả Nguyễn Khanh “CSGT bắt lỗi vượt phải trên đường nhiều làn là không đúng” thu hút rất nhiều bình luận trái chiều. Điều này cho thấy cách hiểu về quy tắc lưu thông trên cao tốc ở Việt Nam không thống nhất và rất cần được “chuẩn hóa” bởi các cơ quan xây dựng luật giao thông. Cách hiểu khác nhau của người lái xe là rất nguy hiểm bởi nó sẽ dẫn tới các cách ứng xử sai khi tham gia giao thông và gây ra nguy cơ tai nạn rất cao khi lưu thông trên đường với tốc độ cao.
Ở các nước phát triển (điển hình như khu vực châu Âu mà tôi đang sống), việc lưu thông trên đường cao tốc nhiều làn khá đơn giản và thống nhất: các phương tiện luôn lưu thông giữ làn đường bên phải theo (khi đi theo phải đường) hoặc làn trái (khi lái theo trái đường – ví dụ ở Vương quốc Anh), và chỉ chuyển sang làn bên trái khi cần tăng tốc độ vượt qua phương tiện phía trước đi quá chậm, và phương tiện cần trở lại ngay làn bên phải sớm nhất khi có thể và đủ an toàn. Bên cạnh đó là quy tắc đi với tốc độ tối đa của làn đường nhằm đảm bảo tính lưu thông liên tục và không cản trở người phía sau; đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước (được xác định theo tốc độ).
Một điều khác biệt là đường cao tốc nhiều làn ở châu Âu không quy định tốc độ các làn khác nhau. Và trong tình huống bạn gặp một xe phía trước chạy chậm, thì cách để vượt qua là quan sát kỹ các phương tiện phía sau và làn đường bên trái, tăng tốc và chuyển sang làn bên trái để vượt qua, và sau đó trở lại làn phải ở khoảng cách đủ an toàn với phương tiện mình vừa vượt qua. Việc vượt phải là không được phép. Điều này tương tự với các nước lái xe bên trái, làn đường bên trái trong cùng được dùng để lưu thông liên tục và chỉ được phép dùng làn ngoài bên phải khi vượt qua phương tiện trước mặt.
Điều khác biệt ở Việt Nam là đường cao tốc nhiều làn được phân chia theo tốc độ, theo nguyên tắc là làn trong cùng bên phải tốc độ thấp, làn bên trái tốc độ cao hơn. Dù như vậy, cách thức lưu thông cũng không có nhiều khác biệt – để đảm bảo lưu thông thông suốt, phương tiện cần chạy với tốc độ tối đa của làn đường. Từ logic này, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng việc chuyển sang làn bên phải để vượt phương tiện trước mặt là điều không thể.
Thật vậy, hãy giả định tình huống bạn đang đi trên đường cao tốc hai làn xe như trong hình. Làn số 2 chạy tốc độ cao (giả sử 110 km/h), làn số 1 chạy chậm hơn (ví dụ 90 km/h), làn 3 dùng để thoát ra khỏi cao tốc. Nếu bạn đang chạy trên làn đường số 1, và bắt gặp một xe đang chạy phía trước, và cách để vượt qua nó là tăng tốc độ cao hơn để vượt qua, và cách đi là chuyển sang làn số 2 cho phép đi với tốc độ cao hơn 90 km/h.
Nếu bạn đang đi trên làn số 2, nơi bạn cần chạy với tốc độ tối đa 110 km/h (và nếu dưới 90 km/h bạn sẽ buộc phải chuyển sang làn số 1), và bị chắn bởi một xe phía trước. Nếu bạn chuyển sang làn phải với mục đích vượt qua, bạn sẽ phải tăng tốc độ cao hơn so với xe phía trước, và khi ấy điều này không được phép ở làn số 1 bởi làn này chỉ được phép đi tốc độ thấp hơn.
Và vì thế, việc chuyển sang làn bên phải để vượt là không thể, hoặc là bạn sẽ bị vi phạm lỗi quá tốc độ. Đó là lý do bạn không thể vượt bằng làn bên phải, và cảnh sát giao thông phạt là điều chính xác.
Ngô Đức Thế