Đây là quy định mới của Thái Lan nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông gây chết người tại nước này. Tòa án buộc họ lao động công ích ở ven đường hoặc trong bệnh viện. Nhưng Cục quản chế cho rằng như vậy là chưa đủ răn đe.
Nontajit Netpukkana, một quan chức cấp cao ở cục này nói với AFP rằng họ tin tưởng "sự ghê rợn của nhà xác là hình ảnh chính xác những gì tài xế say xỉn phải chịu đựng khi cố ý lái xe trên đường".
Quy định mới ban hành đúng dịp Songkran, tết té nước mừng năm mới cổ truyền của người Thái. Đây cũng là một trong hai khoảng thời gian giao thông Thái Lan nguy hiểm nhất, dịp còn lại là tết dương lịch.
Với sự lộn xộn, quá tải của giao thông và tăng lượng rượu bia tiêu thụ, hai kỳ nghỉ này được gọi là "7 ngày chết chóc" (Seven Deadly Days), với khoảng 2,3 người chết mỗi giờ trong suốt lễ hồi và 160 người bị thương.
"Sử dụng hình phạt lao động trong nhà xác mới đủ sức răn đe bởi chỉ có ở đây mới có sức ám ảnh, rằng tài xế say xỉn có thể nhận kết cục như những xác chết kia, Col. Kriangdej Jantarawong, cảnh sát Thái nói với AP.
Trong suốt lễ hội Songkran 2015, có 3.373 vụ tai nạn giao thông khiến 364 người chết và 3.559 người bị thương. Dịp năm mới 2016 cũng khiến 380 người chết trong tổng số trên 3.000 vụ tai nạn, theo ghi nhận của Bangkokpost.
Thái Lan là nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao thứ hai thế giới sau Libya. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 24.000 người chết tại Thái Lan vì tai nạn giao thông.
Đức Huy