Hãng siêu xe Italy đang trả thêm một khoản ngoài lương cho các công nhân vì những đóng góp mà họ mang lại cho việc tăng trưởng doanh số và lợi nhuận 2013. CNN cho biết.
Điều này được thể hiện qua cách ferrari hạn chế số lượng xe bán ra để tăng tính "độc quyền, riêng nhất" cho các sản phẩm, tăng niềm tin và sự ưa chuộng của khách hàng. Mỗi năm, Ferrari chỉ sản xuất 7.000 xe.
Trong 2013, hãng xe Italy bán ra 6.922 xe, giảm 400 xe so với năm trước, nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu 5 %, từ gần 3,05 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD, kéo theo lợi nhuận tăng 8 %.
Nhờ kết quả này, công nhân của Ferrari được nhận một khoản thưởng thêm bằng 3 tháng lương như một phần của kế hoạch thưởng 3 năm.
Ferrari hiện đang được sở hữu bởi Fiat. "Siêu ngựa" là một trong những thương hiệu mạnh nhất thế giới, vượt qua cả những ông lớn công nghệ như Apple hay Google, theo báo cáo của Brand Finance. Giá trị thương hiệu của Ferrari được định giá vào khoảng 4 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái.
Ngay cả khi hạn chế lượng xe sản xuất, Ferrari vẫn kiếm được tiền thông qua hoạt động cấp phép thương hiệu. Năm ngoái, lợi nhuận từ thương hiệu tăng khoảng 4 % lên con số 75 triệu USD, trong đó đáng kể đến từ hợp đồng ký kết với các hãng trò chơi Electronic Arts và Codemasters. Ngoài ra, hãng siêu ngựa còn ký cấp phép thương hiệu với Puma, Microsoft và hai hãng sản xuất đồng hồ sang trọng là Hublot và Movado.
Thị trường lớn nhất của Ferrari hiện nay là Bắc Mỹ, chiếm khoảng 30 % doanh số toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc khoảng 10 %. Nhưng doanh số tại thị trường đông dân nhất thế giới có thể sụt giảm bởi chính phủ nước này muốn thắt chặt hoạt động mua xe đắt tiền của quan chức.
Theo David Bailey, giáo sư tại Aston University (Anh), một chuyên gia chính sách công nghiệp thì kế hoạch giảm lượng sản xuất toàn cầu của Ferrari chịu ảnh hưởng từ suy giảm ở Trung Quốc.
"Ferrari có thể nhìn thấy mọi thứ biến chuyển, đó là một chiến lược marketing thông minh và nó phản ánh đúng thực tế".
Đức Huy