Quy trình làm cà phê vợt phức tạp và vất vả hơn nhiều so với cà phê phin như bây giờ. Nhưng với mong muốn giữ lại hương vị cà phê vợt của ba nên cô Sương và các chị gái của mình vẫn duy trì quán cà phê Cheo Leo đến nay đã được 79 năm.
Cô Nguyễn Thị Sương – chủ quán cà phê vợt Cheo Leo.Cô Sương chia sẻ: “Nếu chuyển qua pha cà phê phin thì cũng có nhiều cái tiện cho mình như: dễ làm hơn, đỡ tốn thời gian và đỡ thức khuya dậy sớm hơn nhưng hương vị cà phê sẽ không được ngon như pha cà phê bằng vợt”.
Cà phê vợt được pha trong siêu đất và giữ nóng trên bếp lửa than. Khách hàng là động lực của tôi”Với nhịp sống hiện đại ngày nay, người ta bắt đầu chuộng những thứ tiện lợi và nhanh chóng hơn. Vì thế nên nhiều người bắt đầu tìm đến với các quán cà phê take away.
Song bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều khách hàng yêu thích và ủng hộ hương vị cà phê vợt của Cheo Leo. Nên ngày nào, cô Sương cũng phải tất bật cho công việc của mình từ sáng sớm.
“Nhiều khách hàng tìm tới quán tôi để thưởng thức cà phê vợt. Khách thích hương vị cà phê nhà tôi lắm. Họ cũng rất cảm kích với công việc của chị em tôi. Nó cũng là niềm vui, sự động viên nữa. Cho nên từ đó chúng tôi nung nấu tinh thần và cố gắng gìn giữ nghề này” - cô Sương chia sẻ.
Ba chị em nhà cô Sương nối nghiệp quán cà phê của gia đình.Được biết rằng ở Sài Gòn hiện tại chỉ còn hai quán bán cà phê vợt sau khi quán của chú Thanh ở quận 11 đóng cửa, đó là: Cà phê “âm phủ” – 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận và quán Cheo Leo – 109/36 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 2, Quận 3.
Video về quán của ba chị em nhà cô Sương
Giữa Sài Gòn rộng lớn, cái nét cà phê vợt ngày xưa nay càng ngày càng mai một dần sau khi quán của chú Thanh ở quận 11 vừa đóng cửa, nay chỉ còn quán của ba chị em cô Sương và quán cà phê "âm phủ" - 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ai sẽ nối tiếp cái nghề cà phê vợt và còn những ai sẽ tìm đến cái món cà phê đậm chất Sài Gòn này.