Sau Tết Nguyên Đán thì rằm tháng 7 là lễ lớn nhất của người tày ở hà giang . Rằm tháng 7 hay dân tộc Tày còn gọi là “Chỉn chất”, đây là ngày mà con cháu đi làm xa về đoàn tụ gia đình, thăm họ hàng. Để có ngày rằm ấm cúng mỗi gia đình đều phải chuẩn bị từ những tháng trước, như nuôi vịt, phơi lá, phơi chuối khô để làm bánh..., trong đó không thể thiếu các món ăn truyền thống như bún vịt, bánh chuối, măng, núc nác nộm..., mà đáng nhớ nhất là món bún vịt.
Làm bún vịt rất kỳ công, do một người lớn tuổi trong gia đình phụ trách, thường là mẹ hay con dâu cả. Khi các món ăn phụ khác đã xong mà món bún vịt chưa xong thì coi như chưa bắt đầu phá cỗ ăn rằm .
Những con vịt được nuôi từ sau Tết, luôn được thả ra bờ suối, tới tháng 7 âm đã mập mạp, chéo cánh, đấy là những con vịt ngon nhất. Sau khi chế biến sẽ lấy nước luộc vịt chan bún. |
Khó nhất trong món này đó chính là làm bún...phải huy động mọi lực lượng trong nhà tham gia, từ giã bột, ép bún... Người ta dùng gạo tẻ hạt đều, không dẻo quá, đi xát thành bột khô, nhào nặn với một lượng nước vừa đủ, nặn thành những viên bột to khoảng bát tô, sau đó cho vào nước sôi, luộc khoảng 15 phút, với một nửa bột chín và bột sống. |
Đem những viên bột đó đi giã nhuyễn, sao cho bột sống và chín quyện với nhau. Đây là khâu mất nhiều công sức nhất, vì thế thường được giao cho người trẻ trong gia đình làm, nhất là các anh con rể. Qua đó cũng đánh giá được con rể là người cẩn thận hay không khi xem qua độ nhuyễn của bột. |
Khuôn làm bún, do các gia đình tự chế nên trông rất đơn giản. Người ta nặn bột thành viên, thả vào khuôn. Những sợi bún tròn, mịn sẽ hình thành qua khuôn này, thả xuống nồi nước sôi, luộc khoảng 5 phút sẽ chín. |
Những sợi bún tròn, mịn. |
Một tô bún vịt ngon là sự hòa quyện của nước chan béo ngậy, những sợi bún dài, mềm, mịn. Món này ăn kèm với thịt vịt, các loại rau thơm như lá hẹ, rau mùi. |
Dương Thu Trang
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net.