Ngày thơ bé, mùa lúa làm đòng là mùa mà những đứa con nít lên 8, lên 10 như chúng tôi thích nhất. Tuổi thơ tôi trôi qua bình lặng nhưng đầy niềm vui trong mùi khói rơm rạ, những buổi ví trâu ra đồng rồi cùng nhau be nước tát cá.
Lúa trổ bông khi ruộng bắt đầu cạn bớt nước. Ruộng lúa ở vùng quê nghèo miền Trung thường nhỏ, xếp chênh chếch từ trên xuống dưới. Nơi các ngõ nước từ đám ruộng này chảy xuống đám ruộng khác là nơi cư trú của rất nhiều cá rô đồng, chỉ cần dùng lờ hoặc đem gàu, rổ ra các vũng nước này xúc một lát thể nào cũng có cá đem về.
Những con cá rô đồng mùa lúa lên đòng tươi ngon, béo tròn. |
Đối với những ruộng lúa nhiều nước, chúng tôi rủ nhau đi câu. Bao giờ cũng vậy, trong thời gian đợi trâu no cỏ là bọn trẻ tranh thủ đào giun đất, bắt cào cào để làm mồi câu. Khi trâu no cỏ, mỗi đứa cột trâu lại gần mấy bóng cây lớn ở giếng nước ông Định đầu xóm cho chúng uống nước rồi cùng nhau lội xuống ruộng bắt cá. Cứ như vậy, đến khi ra về giỏ đứa nào cũng lúc nhúc những cá là cá.
Cá rô đồng có thể dùng chế biến được nhiều món như kho tương, nấu canh cải, kho gừng… Nhưng với tôi, ngoài việc thỉnh thoảng cùng nhau hì hụi đem đốt rơm để nướng cá rồi mỗi đứa một xâu cá chia nhau ăn, thì vẫn không món nào qua được món cá rô chiên giòn chấm nước mắm gừng đặc trưng do mẹ pha chế. Món ăn vừa chế biến đơn giản, không cầu kỳ, phức tạp, vừa dân dã, chân chất đầy tình quê.
Cá rô vào tháng 8, tháng 9 là ngon nhất, ngọt thịt và béo tròn. Cá rô khi còn sống ngúng nguẩy rất hăng nên thông thường, trước khi làm vảy, mẹ ngâm lũ cá sống vào nước muối khoảng hơn 20 phút “cho cá lừ đừ, khi chiên sẽ có vị mặn đậm đà hơn”. Cá được mẹ làm sạch ruột, để nguyên vảy, xếp vào rổ cho ráo nước. Sau đó, mẹ bắt chảo dầu lên bếp, đợi dầu nóng là bỏ cá vào chiên cho đến lúc chúng săn lại, vàng ngậy, thơm lừng cả chái bếp nhỏ. Cá chiên xong bày ra đĩa, rắc lên ít rau thơm, rau răm.
Dĩa cá rô đồng chiên giòn chấm nước mắm chanh đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ tôi. |
Những lúc mẹ chiên cá, nhiệm vụ của tôi là ra hè hái mấy trái ớt, tiện thể hái luôn trái chanh và nhổ bụi gừng đem vào để mẹ pha nước chấm. Gừng rửa sạch, lột vỏ, cắt lát rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó đâm cùng tỏi và ớt đến nhuyễn, đổ ra chén rồi thêm đường, bột ngọt vào, pha nước mắm vừa đủ, vắt miếng chanh nữa là thành một chén nước chấm ngon hết ý.
Có ăn cá rô chiên giòn kèm dĩa rau luộc mộc mạc, cùng với chén cơm nóng hổi trong những chiều mưa mới cảm nhận hết được hương vị của tình đất, tình người quê hương. Vị cá rô ngọt mềm hòa quyện với cay nồng nàn của gừng, của ớt, vị thơm của tép tỏi. Bữa cơm tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng mùi vị của nó đã trở thành ký ức đẹp mỗi lần tìm lại tuổi thơ của những người con xa quê.
Đứa bạn gọi điện, cười giòn giã, dịp lễ Quốc khánh này nó sẽ về quê nghỉ vài ngày rồi tranh thủ đi câu luôn. Có điều ngày nay ruộng không còn nhiều cá rô như xưa, các loại thuốc cỏ, thuốc trừ sâu đã làm cá bỏ đi đâu mất. Cá rô nuôi bán ngoài chợ tuy to hơn, béo hơn cá đồng nhưng dù chế biến thế nào cũng không thể có được mùi vị đặc trưng như thuở nào.
Bài và ảnh: Lâm Bình
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết được đăng có nhuận bút.