1. Ngày 4/1 âm lịch – hội rước pháo làng Đồng Kỵ
Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) là một trong những lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức từ mùng 4 Tháng Giêng để tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương – vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng ra lệnh xuất quân đánh giặc.
Mọi công việc cho lễ rước pháo được chuẩn bị từ sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng hai quả pháo lớn mới được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ trong nhà truyền thống ra đình làng. Đoàn tế thu hút hàng ngàn khách thập phương cũng như khách nước ngoài. Cùng với màn rước pháo, các hoạt động: hát quan họ, cờ tướng, chọi gà...cũng diễn ra hết sức sôi nổi.
2. Ngày 5/1 âm lịch – Lễ hội Gò Đống Đa và lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội để tưởng nhớ tới những chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung. Vào buổi sáng ngày hội, các vị chức sắc và bô lão làng Khương Thượng, Thịnh Hào... đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ.
Đến gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, người ta tiến hành đám rước thần mừng chiến thắng. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.
Cũng khai hội vào ngày mùng 5 Tết, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (huyện Duy Tiên - tỉnh Hà Nam) là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông. Lần đầu tiên nghi thức lễ tịch điền này được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành. Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội này mới được khôi phục từ năm 2009.
Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn.
3. Ngày 6/1 âm lịch – Lễ hội chùa Hương và lễ hội Đền Gióng
Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức - Hà Nội) là một trong những lễ hội nổi tiếng có quy mô lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ ngày mùng 1 cũng đã có nhiều người tới chùa Hương đi lễ đầu năm. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng với thú vui ngồi thuyền vãn cảnh khiến du khách như lạc vào non tiên cõi Phật.
Lễ hội đền Gióng tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng... nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng. Năm 2011 Lễ hội đền Gióng đã được unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
4. Ngày 8/1 âm lịch - Lễ hội Lồng Tồng và lễ hội chợ Viềng
Lễ hội Lồng Tồng( hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong ngày này, nhà nào cũng chuẩn bị các vật phẩm làm ra từ nông nghiệp như bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc, xôi ngũ sắc... để dâng lên các vị thần linh. Ngoài phần lễ, phần hội gắn liền với các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, múa rối, chọi gà, đánh đu, múa võ, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ và hát then luôn được đồng bào và du khách đón đợi.
Lễ hội chợ Viềng cũng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rục rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước. Sản phẩm được đem ra mua bán ở chợ chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt , các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông và cả thịt bò.
Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả bởi dường như "sự bán, sự mua" ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành.
5. Ngày 10/1 âm lịch – Lễ hội Yên Tử
lễ hội yên tử là một lễ hội lớn tại Việt Nam được tổ chức từng ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ( xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh). Trong ngày khai hội, tại đây có rất nhiều hoạt động như lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng" đầu năm và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp.
Mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại nô nức về Yên Tử, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc và du xuân cầu may vạn phúc.
6. Ngày 12/1 âm lịch – Hội Lim
hội lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim đặc sắc với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng.
Tối ngày 12 sẽ là hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
7. Ngày 13/1 âm lịch – Hội rước ông lợn
Cứ vào ngày 13/1 âm lịch hàng năm, lễ hội rước ông lợn lại diễn ra tưng bừng náo nhiệt tại làng La Phù, huyện Hoài Đức – Hà Nội. Theo truyền thống lâu đời, hội là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ, và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.
8. Ngày 14/1 âm lịch – Lễ hội khai ấn Đền Trần, lễ hội Bà Chúa Kho
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14, ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Cũng như lễ khai ấn Đền Trần, lễ hội Bà Chúa Kho cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Đền Bà Chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".
- 26/02/15 19:34 Làng Vũ Đại khổ sở vì cá kho kém chất lượng
- 26/02/15 19:20 Gợi ý loạt kiểu tóc tết hay ho dễ ứng dụng cho mùa Xuân - Hè 2015
- 26/02/15 16:58 Top 10 Hoa hậu đẹp nhất thế giới trong năm 2014
- 26/02/15 16:56 Cách trang trí nhà siêu đơn giản từ lõi giấy vệ sinh