bánh củ cải vốn được biết đến là món ăn của người Triều Châu tiễn ông Táo về trời vào dịp cuối năm, bánh nhiều màu sắc, phổ biến trong Nam. Ít ai biết, trong ẩm thực cổ hà nội cũng có món bánh củ cải trắng trong, tinh khiết. Từ xa xưa người Thăng Long - Kẻ Chợ đã dùng như một món tráng miệng thanh tao trong tiết trời hiu hiu lạnh.
Bánh củ cải của người Hà Nội xưa làm từ bột tẻ lọc, củ cải bào, đường, mỡ lợn, và nước hoa bưởi.
* Nguyên liệu:
- Bột tẻ lọc : 270 g.
- Bột sắn (bột đỗ xanh lọc) : 30g.
- Nước lã : 900 ml.
- Củ cải non : 1000g.
- Đường : 200g.
- Mỡ phần : 100g.
- Mỡ nước : 30g.
- Nước hoa bưởi : 1 chút.
- Muối tinh, giấy phin trong.
* Cách làm:
- Củ cải bào thật nhỏ, bóp với một chút muối, rửa sạch, vắt khô.
- Mỡ phần luộc chín với một chút đường, thái hạt lựu nhỏ.
- Hòa đường với nước, khấy tan.
- Trộn bột tẻ lọc, bột sắn, nước đường quấy đều, cho qua rây lọc.
- Sau đó, cho củ cải, mỡ phần vào bột. Đặt nồi lên bếp quấy dở sống, dở chín. Khi bột ráo, cho tiếp nước hoa bưởi vào, đánh đều.
- Xoa mỡ nước vào khuôn rồi cho bột đã quấy vào. Dùng tay lèn chặt bột, lấy giấy phin đặt trên mặt khuôn.
- Đun sôi nước trong nồi hấp, cho bánh vào nồi hấp khoảng 1 tiếng rưỡi. Sau đó để bánh nguội, úp ngược khuôn cho bánh rời ra rồi cắt bánh thành nhiều miếng hình chữ nhật.
- Có thể gói bánh lại bằng giấy bóng kính để bảo quản lâu hơn.
Trong tiết trời thu Hà Nội, thưởng thức bánh củ cải sau bữa ăn cùng một chén trà nóng, nhẹ nhàng cảm nhận vị củ cải, mỡ phần, mùi hương bưởi thoang thoảng trong bánh thì không gì nhẹ nhàng, thanh tao bằng.
Phan Dương
Hướng dẫn của đầu bếp Nguyễn Phương Hải