Trước hết, khi mua phải chọn chanh da mỏng bóng láng có màu vàng nhạt (tránh chọn những trái chanh non, chín héo, da nhăn nheo, muối không ngon). |
Chanh mua về cho vào thau (hoặc chảo nhôm) chà với muối hột cho dập hết phần the (tinh dầu), rửa sạch với nước lạnh nhiều lần, để ráo. |
Tiếp đến, cho chanh vào nồi trụng nước sôi. |
Vớt chanh ra cho vào thau ngâm với nước lạnh (có pha phèn chua) một đêm. |
Sáng hôm sau đem chanh ra xả với nước lạnh (nhiều lần) cho thật sạch, đổ chanh ra rổ phơi nắng (nếu nắng tốt phơi khoảng 2 ngày), khi thấy vỏ từng trái chanh teo tóp lại, ngã màu nâu nhạt thì đem chanh vào để nguội, xếp vào keo. |
Cuối cùng, nấu nước muối thật mặn (thử độ mặn bằng cách cho hạt cơm nguội vào dung dịch muối, nếu hạt cơm nguội nổi lên là được), chờ nước muối nguội đổ ngập lên chanh. Dùng que tre gài chanh chìm xuống nước muối, khoảng 1 tháng sau là dùng được. Chanh ngâm muối đúng kỹ thuật có thể dự trữ hàng năm không hư. |
Lúc ăn, lấy một trái chanh cho vào ly. Dùng muỗng giầm chanh cùng với đường cát, cho thêm một ít nước để hòa tan, sau đó cho đá vào quậy đều là xong. Muốn đậm đà hương vị, vắt vào một ít nước cốt chanh tươi… Dùng muỗng múc một miếng nước chanh muối (lẫn vỏ chanh) cho vào miệng nhai chậm rãi. Cái cảm giác mềm mềm, thơm thơm của vỏ hòa lẫn vị mằn mặn, chua chua và cái mát lạnh của đá “tê tê” nơi đầu lưỡi lan tỏa khắp giác quan, khiến cái nóng của ngày hè như xua tan đi lúc nào không hay biết!...
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.