Thị trường điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây ngày càng mở rộng. Họ có những bộ phim "bom tấn" nhờ áp dụng nhiều thành tựu kỹ thuật vào phim, và hơn cả, với hơn một tỷ dân số, đây được cho là thị trường có tính chất cứu cánh cho không ít những bộ phim Hollywood.
Tuy nhiên, mặc dù doanh thu của điện ảnh Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước, nhưng các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc lại bị cho là ngày càng ít đi, thậm chí, chính vì kịch bản phim điện ảnh không có nhiều chiều sâu, ít được đầu tư hơn, nên nhiều Ảnh Đế, Ảnh Hậu từ bỏ mảng điện ảnh quay lại đóng phim truyền hình.
Năm 2017, hiện tượng phòng vé tại Trung Quốc là bộ phim Chiến Lang 2 của Ngô Kinh. Khi phim được công chiếu trên toàn thế giới, đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, kẻ khen người chê, để rồi qua đó những nhà làm phim chuyên nghiệp nhìn thấy được 1 phần thực trạng chung của điện ảnh Trung Quốc hiện nay.
Mô típ thành công của các bom tấn gần đây như Chiến Lang 2 , hay trước đó là Điệp vụ Tam Giác Vàng, đều dựa trên công thức cực kỳ đơn giản. Nhấn mạnh tinh thần yêu nước, tính tự tôn dân tộc, cộng với kỹ xảo cháy nổ đậm chất "xôi thịt" gây mãn nhãn trong gần 80% khung cảnh trong phim.
Chiến Lang 2 đang là bộ phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc dù chỉ là phim hành động hạng B.Trước đó, điện ảnh Trung Quốc không thiếu những bộ phim nâng cao chủ nghĩa anh hùng, tán thưởng sức mạnh cũng như tinh thần Đại Hán ví dụ như: Diệp Vấn, Huyền thoại Trần Chân, hay các bộ phim của Thành Long,... Đây đều là những bộ phim theo motif người anh hùng có tài xoay chuyển tình thế, thắng được "giặc Tây Dương", "quỷ Nhật Bản", phô diễn sức mạnh cá nhân của người Trung Quốc thông qua võ thuật được truyền thừa hàng ngàn năm.
Vẫn là tinh thần Đại Hán, nhưng những bộ phim này có nội dung cũng như có chuyển biến tâm lý nhân vật khá uyển chuyển, đường dây câu chuyện rõ ràng, và khắc họa được tính cách nhân vật. Những bộ phim này đã cho điện ảnh thế giới những cái tên như Chung Tử Đơn, Lý Liên Kiệt, Thành Long... mà tài năng không thể phủ nhận.
Nhưng đến 2 tác phẩm hành động ăn khách Chiến Lang 2 và Điệp vụ Tam Giác Vàng có thể thấy chủ nghĩa anh hùng giờ đây đã được nâng cao triệt để, qua đó nêu cao tinh thần Đại Hán "một tay cứu rỗi thế giới" hay "bất khả chiến bại", tuy nhiên nó chỉ được xem là bí quyết để kéo chân chính khán giả Trung Quốc Đại lục tới rạp mà thôi.
Trong Chiến Lang 2, dễ dàng nhận thấy đây là một bộ phim xuất phát từ chủ nghĩa anh hùng khi nhân vật Lãnh Phong do Ngô Kinh thủ vai là một quân nhân dũng mãnh, sau đó phim dần được nâng cao hơn khi đưa vào các câu khẩu hiệu về tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc để phù hợp với vị thế cường quốc hiện nay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách đưa tinh thần này vào lại khá thô, thậm chí có nhiều đoạn khiến lời thoại trở nên hài hước. Ví dụ như khi gã tướng quân của phe phản diện lên tiếng: "Không được giết người Trung Quốc. Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc", nghe thật khiên cưỡng và buồn cười. Hay khi người quản lý muốn phân tách công nhân người Trung Quốc và công nhân nước ngoài để cứu người Trung Quốc trước,... và còn nhiều ví dụ khác như câu tagline (chủ đề) của bộ phim: "Động vào Trung Quốc, dù xa cũng diệt" lại thể hiện tính hiếu chiến và bạo lực.
Phim thường xuyên có những câu khẩu hiệu nâng cao tinh thần tự hào dân tộc Trung Quốc.Một bộ phim từ đầu tới cuối chỉ tích cực hô hào khẩu hiệu, tự biến mình thành cỗ máy tuyên truyền chính trị, cộng với cảnh các nhân vật trong phim chỉ chạy và la hét, đánh đấm, chứ không khắc họa rõ tính cách nhân vật, không có câu chuyện cụ thể, bên cạnh những khối sắt phun khạc khói lửa, khiến người xem thấy không khác những phim cháy nổ về Rambo những năm 80.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Cũng chính vì thế, dù Chiến Lang 2 thu về tới gần 5 tỷ NDT tại thị trường Trung Quốc nhưng lại bị ghẻ lạnh tại thị trường thế giới. Ở Mỹ, phim chỉ thu về 1,5 triệu USD tiền bán vé, còn tại Việt Nam phản ứng của khán giả cũng vô cùng nhạt nhẽo (phim không được chiếu rạp nhưng có chiếu trên mạng).
Nhà phê bình Simon Abrams trên trang RogerEbert.com đánh giá: "Đây là một tác phẩm hành động điên cuồng có tính phân biệt chủng tộc dựa theo một vị cứu tinh tưởng tượng". "Một bộ phim chiến tranh bạo lực đầy máu me, bất chấp logic".
Đánh trúng tâm lý yêu nước của người dân Trung Hoa, nhờ đó thu được số tiền bán vé khổng lồ song Chiến Lang 2 thực sự là chỉ là một bộ phim hành động hạng B, không có nhiều giá trị.
Cùng với Chiến Lang 2, Điệp vụ Tam Giác Vàng cũng là một bộ phim nâng cao địa vị của Trung Quốc trên trường quốc tế, nêu cao tinh thần người Trung Quốc có thể giải quyết được mọi rắc rối của thế giới. Phim kể về những quân nhân, tình báo Trung Quốc hợp tác với quân đội của 3 nước Thái Lan, Lào, Campuchia để phá tan đường dây sản xuất và buôn lậu thuốc phiện tại khu Tam Giác Vàng.
Với nhân vật chính là hai quân nhân người Trung Quốc, bộ phim có nhiều cảnh cháy nổ, bắn súng, đua xe, chạy trốn dồn dập nhưng bị đánh giá là "quá điêu". Nội dung phim một lần nữa khẳng định, vai trò của Trung Quốc với các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong là vô cùng quan trọng. Quân đội của Trung Quốc cũng vô cùng thiện chiến, tài ba, khiến khán giả khi xem có liên tưởng Trung Quốc là cường quốc mạnh mẽ đủ sức che chở cho những nước nhỏ hơn.
"Điệp vụ Tam Giác Vàng" bị đánh giá là có những cảnh hành động phi logic.Nhờ nhồi nhét tinh thần dân tộc Trung Quốc vào tác phẩm, phim đạt được doanh thu cao với hơn 1 tỷ NDT, cùng lời ngợi ca hết lời từ những công dân đại lục, song khi khởi chiếu thì lại bị khán giả nước ngoài ghẻ lạnh.
Phim cho thấy hình ảnh những kẻ nguy hiểm đến từ khắp nơi trên thế giới và Trung Quốc là đất nước đứng ra giải quyết các vấn đề này.Thậm chí kể cả trong bộ phim như Thiết đạo phi hổ của Thành Long gần đây, nhân vật phản diện là quân đội Nhật Bản cũng bị xây dựng vô cùng yếu ớt, hời hợt, thuần túy chỉ làm bia đỡ đạn, để quân đội Trung Quốc phô diễn sức mạnh.
Sự "thô bạo" trong cách xây dựng nhân vật chính tà theo kiểu ta và địch một cách khiên cưỡng đã khiến ngay cả khán giả Trung Quốc cũng phải lên tiếng: "Nếu quân đội Nhật Bản khi xưa yếu như vậy thì người Trung Quốc đã chẳng khổ cực biết bao nhiêu". Đã cho thấy kịch bản chỉ đơn thuần là thỏa mãn khán giả trong nước chứ chưa thực sự đầu tư, tìm hiểu kỹ càng về mặt lịch sử.
Trong phim, quân đội phản diện yếu ớt, dễ sụp đổ khiến khán giả khó chịu.Nói một cách công bằng thì, dân tộc nào cũng có tính tự tôn, và luôn tìm cách đưa tinh thần đó vào âm nhạc hay điện ảnh để khắc họa lên chân dung của dân tộc mình, cũng như thể hiện lòng tự hào đối với thế giới. Tuy nhiên, khi đưa điều đó vào điện ảnh một cách thiếu tiết chế, lộ liễu tuyên truyền tính "bá chủ thế giới" thì bộ phim sẽ không còn là một tác phẩm điện ảnh, mà biến thành cỗ máy tuyên truyền chính trị, và vì thế bị quay lưng cũng là điều dễ hiểu.
Thành Long tự hào khi nhận giải Oscar sau nhiều lần tai nạn