Cách thành phố Udaipur, bang Rajasthan, phía tây Ấn Độ 84km về phía Bắc, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai sau pháo đài Chittaurgarh ở khu vực Mewar.
Nằm trong vùng Aravali và được bao quanh bởi mười ba ngọn núi cao, pháo đài được xây dựng vào thế kỷ 15 bởi nhà vua Maharana Kumbha và là một trong 32 pháo đài được xây dựng dưới thời trị vì của hoàng tộc Rajput tại vương quốc Mewar.
Quần thể kiến trúc Kumbhalgarh là một bức tường với chiều dài lên tới 36km với độ dày bức tường ở chỗ lớn nhất lên tới 5m. Một số tài liệu cổ ghi lại, bức tường có thể chứa cùng lúc 8 con ngựa đi cạnh nhau.
Pháo đài bất khả xâm phạm này gồm 7 cổng lớn được bố trí quanh tường thành với những tháp canh hình tròn lớn. Bên trong bức tường bảo vệ là hơn 360 chùa đền lớn nhỏ của đạo Jain và đạo Hindu cùng một cung điện tráng lệ nằm trên cao có tên "Badal Mahal" - Cung điện Mây. Đứng từ cung điện này, bạn có thể dễ dàng bao quát cả một khoảng không gian rộng lớn trải dài hàng chục cây số, bao gồm toàn bộ khu vực Aravalli hay thậm chí là cả sa mạc Thar gần đó.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi mới bắt đầu khởi công xây dựng pháo đài, vua Maharana Kumbha đã gặp rất nhiều trở ngại, những bức tường vừa xây lên đã bị đổ sập mà không rõ nguyên nhân.
Một vị pháp sư nổi tiếng trong vùng sau đó đã đến gặp đức vua và nói rằng, chỉ có sự hy sinh lớn lao của con người mới có thể giúp hoàn thành pháo đài. Theo đó, phải có một người dân tự nguyện hiến dâng sinh mạng bằng cách chặt đầu, một ngôi đền sẽ được xây dựng tại ngay nơi đầu của người hiến tế rơi xuống, sau đó mới bắt đầu xây dựng tường thành từ vị trí mà thân thể của người đó được chôn.
Tuy nhiên, mặc dù phần thưởng nhà vua đưa ra vô cùng hậu hĩnh, không một người dân nào đồng ý hy sinh. May thay, cuối cùng, một người khách hành hương lạ mặt đến xin nhà vua được trở thành vật hiến tế. Qủa đúng như lời pháp sư, công việc xây dựng pháo đài sau đó đã diễn ra một cách hết sức suôn sẻ.
Ngày nay, du khách có thể tìm thấy ngôi đền thờ để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của người hành hương vô danh nọ ở ngay gần cổng chính của pháo đài.
Tương truyền rằng, đức vua Maharana Kumbha đã sử dụng những cây đèn khổng lồ, tiêu thụ tới 50kg bơ và hàng trăm kg bông để cung cấp ánh sáng cho nông dân làm việc suốt đêm trong thung lũng. Những bức tường khổng lồ tại Kumbhalgarh mất gần một thế kỷ để xây dựng và trong suốt chiều dài lịch sử, pháo đài này gần như là nơi bất khả xâm phạm. Đây được coi là thành dài thứ 2 thế giới chỉ sau Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Đôi khi, nơi đây còn được du khách trìu mến gọi với cái tên "Vạn Lý Trường Thành" của Ấn Độ.
Theo NDH
Có thể bạn quan tâm: