Tôi từng hứa với Gokcen, cô bạn người Thổ Nhĩ Kỳ cùng lớp là sẽ có ngày tôi tới đây thăm cô. Tuy nhiên, mãi tới 2 năm sau ngày tốt nghiệp, tôi mới có thể thực hiện lời hứa đó. Đặt lịch nghỉ, vé máy bay, tôi đến Istanbul để gặp cô bạn thân của mình. Cái duyên của Istanbul và tôi là như vậy. Và không hiểu do Gokcen hay tại Istanbul, tôi lại có nhiều suy tưởng đến vậy.
Taksim, chai Rosé giữa tháng lễ
Nơi đầu tiên tôi ghé khi tới đây là Taksim, trung tâm văn hóa giải trí của thành phố. Giữa không gian đặc quánh bởi tôn giáo, chính trị, Taksim bình thản, thư thái như Paris giữa lòng Istanbul. Hệ thống quầy bar, quán cà phê, sàn nhảy, những nghệ sĩ ngồi trò chuyện bên ly cà phê, điếu thuốc, những quý cô ăn vận thời trang ra vào các cửa hàng, những chàng trai trẻ hào hứng nói về các ý tưởng mới: quảng cáo, thể thao, ứng dụng đồ họa…
Taksim là nơi tập trung của khách du lịch, của những người tìm kiếm một món đồ lưu niệm từ thành phố cổ kính này. Tuy nhiên, đây cũng là điểm đến của những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi đầy hoài bão. Điều ấy khiến Taksim trở thành một bức chân dung thu nhỏ của thành phố Istanbul đầy những mặt trái ngược và bí ẩn. |
Taksim giới thiệu hệ thống cửa hàng toàn cầu hiện đại hóa bán Kebab (món ăn truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ). Khách hàng chọn món, dựng ghép món ăn tự chọn qua một app, trên iPad. Taksim biến mô hình tàu điện cổ của Istanbul (một trong những hệ thống tàu điện cổ nhất châu Âu) thành các món đồ lưu niệm, thành nghệ thuật.
Kebab là món truyền thống ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Ai đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn mang về một tấm thảm với hoa văn đầy mê hoặc. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng những người bán thảm ở đây có rất nhiều “bí kíp” để có thêm một chút tiền từ bạn. Vì thế, hãy hỏi giá của một tấm thảm ở ít nhất 3 cửa hàng khác nhau rồi mới nên quyết định chọn mua. |
Cầu Galata – Giữa hai bờ Âu – Á
Một ngày hai lần, tôi đi qua cầu Galata. Thế mà không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy rưng rưng. Lần đầu tiên tôi thấy hai lục địa Á, Âu gần nhau đến vậy.
“Một bước chân thôi, tớ đã về đến nhà, châu Á của tớ!” lần này, không kìm nổi, tôi reo lên thật lớn. Tôi túm lấy váy, nhảy một bước thật dài để ghi lại khoảnh khắc tôi có thể… đi bộ về châu Á của tôi. Gokcen ngỡ ngàng rồi bật cười không dứt.
Tôi mỉm cười khi thấy Gokcen và bạn trai trao nhau nụ hôn trên cầu Galata. Chàng sống ở bờ Á, nàng sống ở bờ Âu. Giả như hai lục địa cũng là những người trẻ tuổi đang yêu như họ thì Istanbul là nụ hôn của mối tình đầu: đẹp và nhiều mộng tưởng…
Mộng tưởng Istanbul
Những dòng người di dân mới từ Libia, Iran, Iraq đến Istanbul với mộng tưởng tìm đến cuộc sống hòa bình và thịnh vượng hơn thì phần lớn vẫn lang thang trên phố, bủa vây lấy các xe ô tô dừng đèn đỏ để xin tiền và làm đông cứng thêm thành phố đã gánh hơn 14 triệu dân.
Chính quyền thành phố tham vọng mở rộng Istanbul sang bờ Âu, xâu dựng sân bay thứ 3 cho thành phố và sân vận động hùng vĩ cho cuộc chạy đua giành quyền đăng cai Olympic 2020. Tham vọng này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, những người mệt mỏi nhìn thành phố của mình mất đi từng mảng xanh, từng công viên biến thành trung tâm mua sắm, nhà cao tầng. Họ không cần sự hiện đại đó.
Còn cô bạn thân của tôi, trở về nước với bằng thạc sĩ báo chí, có vị trí trong một tập đoàn báo chí toàn cầu, Gokcen kỳ vọng tạo sự thay đổi cho thành phố cô đang sống. Đó chắc không phải mộng tưởng nhưng là một ước mơ đầy thử thách.
“Ước mơ thực ra có thể rất xấu, khi nó day dứt mình hàng ngày: khi mình vội vã đến tòa soạn buổi sáng, trở về nhà mệt mỏi giữa đêm mà vẫn cảm giác mình chẳng làm được gì cho thành phố tốt hơn”, Gokcen kể. Chính những ngày cô đeo mặt nạ chống hơi cay, ghi lại cuộc biểu tình ở Taksim năm 2013 (khi người dân phản đối chính quyền phá công viên, xây trung tâm mua sắm) là những ngày cô có thể chạm gần đến ước mơ, hay mộng tưởng của mình nhất.
Trong cuộc chạy đua không ngừng để hòa nhập với thế giới hiện đại, Thổ Nhĩ Kỳ đã hy sinh khá nhiều các mảng xanh, các khu phố cổ. Những cải cách đó khiến nhiều người dân đất nước này nổi giận và tổ chức những cuộc biểu tình gay gắt. Từ Istanbul, biểu tình đã lan ra khắp Thổ Nhĩ Kỳ và trở thành một trong các vấn đề tâm điểm của thời sự năm 2013-2014. |
Đứng trước hàng ngàn năm lịch sử của Istanbul, tôi vẫn thấy thành phố này trẻ trung, dồn dập và có phần bồng bột. Những người cũ ra đi, những người mới đến vẫn kỳ vọng như cách đế quốc Ottoman kỳ vọng biến Istanbul thành đô thị quốc tế lớn nhất thế giới. Thành phố mang theo kỳ vọng ấy đến bây giờ, như cô bạn thân tôi kỳ vọng thay đổi thế giới, như cơn mưa rào kỳ vọng tắm mát cái nóng đặc quánh nơi đây…
Tôi hít hà lần cuối mùi mưa ở xứ nhiệt đới, điều tôi nhớ da diết từ khi xa Việt Nam. Tôi biết mình sẽ nhớ Istanbul. Với tất cả những mâu thuẫn, thăng hoa và mộng tưởng, Istanbul sẽ mạnh mẽ, thú vị và quyến rũ
Những điều tuyệt vời mà Istanbul tặng tôi
Quán cà phê The House
www.thehousecafe.com/
www.istanbulmodern.org/en
Nhà hàng nằm trên sân thượng của một tòa nhà cạnh phố đi bộ mua sắm sầm uất, Beyolu. Mama Shelter không chỉ có những không gian ấm cúng, sang trọng mà còn phục vụ những món hải sản, kebab đặc trưng của Istanbul theo phong cách cao cấp (Gourmet). Đừng quên đặt bàn trước vì nhà hàng luôn đông khách. Địa chỉ: 50-54 stiklal Caddesi, Istanbul.
www.mamashelter.com/en/istanbul/
Nhà hàng Antiochia
Với ước ao thử Kebab Thổ Nhĩ Kỳ thực sự, tôi được giới thiệu đến Antiochia, nhà hàng giới thiệu những món ăn làm từ thịt đúng như cách người Thổ Nhĩ Kỳ làm tại nhà, giữa không gian nhà hàng sang trọng. Địa chỉ: Asmalı Mescit Mh., Minare Sk No:21, 34000 stanbul.
www.antiochiaconcept.com/
Nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ Kilic Ali Pasa Hamam