Làm sao để phân biệt thật – giả, tốt – xấu? Ông Hoàng kém vui nói: “Bị đánh đồng và bây giờ phải tự chứng minh...” Ông đã nhờ các cơ quan xúc tiến, các chương trình hỗ trợ đặc sản giúp nhưng nhiều tiểu thương vẫn có vẻ dè chừng.
Làng tàu hũ ky Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sáng danh từ thời anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm khởi nghiệp, nổi tiếng cả trăm năm, nay có 32 hộ theo đuổi nghề và đây là lần đầu tiên đối mặt với tình cảnh phải tự minh định.
Ông Hoàng nhiều lần nhắc nhở các thành viên về cách công bố chất lượng, bao bì, nhãn mác… nhưng không phải thành viên nào cũng thực hiện. Để minh định khác biệt, hợp tác xã phải lấy mẫu kiểm nghiệm, nhưng bao bì, nhãn mác, cách phân phối đúng là khó tạo khác biệt với hàng cùng loại.
Để có 1kg tàu hũ ky thành phẩm bán ra chợ với giá 95.000 đồng phải dùng khoảng 2,4kg đậu nành tươi, có lúc phải mua đậu nành từ Campuchia chứ đậu nành ven sông Hậu không còn nữa. Rất nhiều nhà khoa học kêu gọi trồng các loại cây họ đậu trong cơ cấu luân canh, trồng đậu nành để có nguyên liệu làm sữa, các món ăn giàu đạm… nhưng thiếu hẳn chiến lược ngành hàng nên những vùng trồng đậu nành thu hẹp dần. Nguồn vốn vay hỗ trợ làng nghề không tương thích nên chưa đủ để tạo thay đổi lớn trong sản xuất; thì nguồn vốn cho việc tiếp cận thị trường, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, bảo quản dài ngày càng xa vời.
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hoà, mỗi hộ làng nghề có vài giàn, mỗi giàn 18 chảo tuỳ theo lao động, đang cố gắng tự minh định với những loại hàng đồng dạng. Một người thợ nói, cứ khoảng 10 phút vớt váng một lần, mãi tới bẹ tức lớp cuối cùng thì tui đi bộ cả chục cây số. Cực nhọc lắm nhưng phải ráng. Như tui đã theo nghề cả chục năm rồi, dại gì mình chạy theo kiểu ăn xổi ở thì. Thực ra, làm nhiều hơn là việc đang gặp khó; nhưng sẽ cố gắng trở lại nhịp độ sản xuất – tiêu thụ 3 tấn tàu hũ ky mỗi ngày.
Riêng tàu hũ ky tươi ướp muối sả chiên giòn chưa bị đánh đồng, chưa bị “ăn cắp danh tính”, mức tiêu thụ khá tốt! Nhưng vấn đề là cách bảo quản, quy cách đóng gói, nhãn mác… luôn là thách thức với những ông bà chủ lò tàu hũ trăm năm!
bài và ảnh Hoàng Lan - TGTT