Nơi cửa ngõ một dòng sông
Manila, đặc biệt là nơi dòng sông Pasig đổ ra vịnh Manila trước khi hoà mình vào biển từ thế kỷ 14 trở về trước từng là vùng đất lý tưởng cho các bộ tộc Tagalog và Kapampangan bản địa và các vương quốc trong vùng giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ, Borneo và Indonesia.
Sau này, Manila càng được đánh giá là một vị trí chiến lược không chỉ dành cho quân sự mà còn dành cho giao thương buôn bán của quần đảo Luzon, một trong ba quần đảo chính tạo nên Philippines. Nằm ngay cửa ngõ của dòng sông Pasig, vùng đất đắc địa được người Tây Ban Nha chọn đóng đô làm khu hành chính và xây dựng một thành trì vững chắc rộng 67ha mang tên Intramuros. Nơi đây chứng kiến hàng loạt sự kiện quan trọng không chỉ của Philippines mà còn của cả khu vực và thế giới từ năm 1521 – 1946.
Nơi thành Intramuros được xây dựng lên từng là một phần của đế chế Majapahit, trước khi bị Sultan Bolkiah chiếm giữ năm 1485 và trở thành một phần của vương quốc Brunei và một phần của quốc gia Hồi giáo Manila. Khi người Tây Ban Nha đến Philippines, họ cũng nhận ra tầm quan trọng và chọn xây hệ thống thành luỹ bao bọc nhằm thiết lập hệ thống hành chính cai trị thuộc địa và vừa để phòng thủ lấy cái tên mang ý nghĩa “bên trong tường thành”.
Thời gian xây dựng hệ thống Intramuros kéo dài hàng trăm năm, qua nhiều lãnh đạo cai trị thuộc địa. Khu tường ban đầu dựng bằng gỗ, nhưng đến năm 1590, vị tổng đốc đầu tiên của Manila người Tây Ban Nha cho phá bỏ khu tường gỗ và xây tường thành bằng đá dày kiên cố (cao tới 6m, dài 4,5km) và hệ thống hào sâu bao quanh, đồng thời cho xây thêm tháp canh và pháo đài. Ban đầu, có tám cổng vào thành, tất cả đều có cầu rút, có lính canh gác. Cư dân trong thành chỉ là người Tây Ban Nha, dân bản địa không được phép vào trong thành. Nếu muốn trao đổi mua bán, người ở phía trong thành sẽ ra ngoài cổng thành mua bán với người dân bản địa. Cầu nối bị rút lên và cổng thành thường được đóng từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Nhưng sau trận động đất năm 1852, cầu không còn bị rút lên và cửa thành cũng không còn bị đóng lại nữa. Trong bảo tàng quốc gia Philippines còn lưu trữ những tấm hình vẽ về nguồn gốc ban đầu của hệ thống thành luỹ này.
Nhà thờ chánh toà Manila, một trong những công trình cổ được xây dựng trong thành Intramuros. |
Vết tích còn lại
Bước qua cổng thành, một không khí khác hẳn với Manila City náo nhiệt, ồn ào đang trong đà phát triển. Rất dễ cảm nhận một không gian mang dáng dấp châu Âu cổ kính. Những con đường lát đá vừa cho hai chiếc xe hơi tránh nhau với vỉa hè nhỏ gọn nhưng sạch sẽ hiện ra đan xen trong thành. Những căn nhà xây kiểu biệt thự một trệt một lầu nằm ven đường với những cửa khung cửa sổ treo lơ lửng những chậu hoa hoặc bóng đèn nơi bậu cửa. Thỉnh thoảng lóc cóc một chiếc xe ngựa kéo chở khách du lịch chầm chậm đi tham quan quanh thành cổ.
Những toà nhà theo kiến trúc châu Âu như những học viện giáo dục cổ nhất Pamantasan ng Lungsod ng Maynila, trường San Juan de Letran, trường trung học Manila, hay trường Santa Rosa cùng các khu phố dành cho dân cư làm nên một không khí Tây Âu xa xưa giữa một đất nước Đông Nam Á đang phát triển.
Nhiều công trình bị chiến tranh phá huỷ, nhưng vẫn không thiếu các công trình tồn tại đến ngày nay như nhà thờ chánh toà Manila; nhà thờ thư viện San Augustin, ngôi nhà thờ cổ nhất Philippines được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới. “Ở nơi này, dấu ấn văn hoá Tây Ban Nha là đậm nét nhất. Nơi thì được quy hoạch xây các toà nhà chính quyền, nơi xây trường học, nhà thờ, bệnh viện. Một pháo đài kiên cố cũng được dựng lên ngay trong thành. Tất cả chỉ nhằm mục đích thống trị và chống lại sự phản kháng của người dân Philippines”, Leticia Ong, cô bạn người Philippines của tôi giải thích.
Pháo đài Santiago là dấu tích đồ sộ, nằm ngay cửa sông, về phía bắc của thành. Rêu đã phủ xanh khu vực tường thành và các khu phòng trại bên trong trừ những lối mòn dành cho du khách qua lại. Leticia giải thích nơi đây từng được dùng làm trại tập trung, trại giam đối với hàng ngàn người Philippines trong đó có cả nhà yêu nước, anh hùng dân tộc José Rizal thời kỳ chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha còn cai trị.
Sau khi thực dân Tây Ban Nha rời khỏi Philippines, pháo đài Santiago với hệ thống hầm nhà tại đây bị người Anh, người Mỹ rồi người Nhật thay nhau chiếm giữ, sử dụng vào nhiều mục đích. Hàng ngàn người dân và du kích Philippines từng bị phát xít Nhật giam giữ tra tấn và hành hình tại đây trong thế chiến thứ hai. Nhưng cũng chính thời điểm này, nhất là trận chiến Manila, hơn 16.500 lính Nhật rút vào cố thủ trong thành cũng bị quân đội Mỹ tiêu diệt.
Đứng trên tường thành của pháo đài, cạnh căn phòng hiện được dùng làm bảo tàng về José Rizal, ngay cạnh bờ sông nhìn ra phía ngoài thành, Leticia tâm sự: “Mỗi lần đứng ở đây, tôi cảm thấy thời gian như ngừng lại. Cuộc sống như lao về phía trước bên ngoài thành, thì bên trong thành, mọi thứ như chậm lại. Thành Intramuros ngày một già cỗi hơn, tĩnh lặng hơn vì chứng kiến rất nhiều thăng trầm trong lịch sử của Philippines. Mọi ngóc ngách đều chất chứa những câu chuyện, sự kiện quan trọng về đất nước và con người Philippines. Intramuros như một bảo tàng sống, một học viện lịch sử nhắc nhở chúng tôi về quá trình đấu tranh, bảo vệ và phát triển của Manila”.
bài và ảnh Kim Dung/TGTT
Chú thích ảnh cover: Đường phố phía trong thành Intramuros.