Vùng đất Cẩm Kim nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An xưa từng là một thương cảng sầm uất của Đàng Trong, nhờ vậy các làng nghề tại đây như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cơ hội phát triển phồn thịnh.
Vốn nằm trên địa thế sông nước, thuận lợi cho việc vận chuyển bè gỗ, đóng tàu, hạ thủy, làng mộc Kim Bồng còn đưa các sản phẩm của mình theo thuyền buôn đến nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ, các sản phẩm mộc như bàn ghế, tủ gỗ, tượng phật, … của làng Kim Bồng vẫn được thương gia trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng.
Thì với mộc Kim Bồng, nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế là những điều du khách có thể cảm nhận từ hình ảnh phố cổ Hội An cũng nhưh trên các sản phẩm khác. Những họa tiết hoa văn trên từng cây cột cây kèo là hình ảnh cành hoa, cây lá.
Cùng là hình ảnh con rồng nhưng dưới bàn tay của người thợ mộc Kim Bồng lại mang hình tượng tre hóa rồng, miệng ngâm hoa cười hiền hòa. Hình ảnh người nông dân hay cây tre Việt Nam cũng được đưa vào từng nét chạm khắc. Tất cả đều mộc mạc gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngoài phố cổ Hội An, dấu ấn tài hoa của những người thợ mộc Kim Bồng cũng được nhìn nhận qua lịch sử xây dựng kinh thành Huế. Thuở ấy, khi các triều Nguyễn quyết định đóng đô ở Huế, đã mời các thợ mộc từ vùng đất phía Nam về xây dựng. Mà lúc bấy giờ chính là mộc Kim Bồng và Vân Hà, Quảng Nam.
Kim Bồng không chỉ có “mộc” mà còn có “nề”, họ xây dựng lăng tẩm, đền thờ miếu mạo dọc khắp các tỉnh miền Trung. Nếu người thợ mộc làm cái khung sườn thì người thợ nề sẽ đắp tường, lợp ngói để hoàn thành một ngôi nhà, đình làng.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng, truyền nhân đời thứ 13 nhà họ Huỳnh theo nghiệp mộc cho biết “Sản phẩm mộc Kim Bồng không phải là hàng hóa để có thể mang ra thị trường. Từ xưa đến nay đó là nghề làm công ăn lương. Một sản phẩm được tạo ra là cả quãng thời gian dài với bao công sức và tâm huyết. Vậy nên mỗi ngôi nhà, một bộ bàn ghế đều mang những dấu ấn tài hoa của người thợ”.
Người làng Kim Bồng ngày nay vẫn còn ngược xuôi các vùng miền để dựng nên những chiếc nhà giường cổ, ba gian hai chái. Người nhà tộc Huỳnh, một trong bốn tộc có công lập làng là Huỳnh – Trương – Phan – Nguyễn vẫn còn tự hào khi có cụ Huỳnh Kim Hơn đã từng tham gia xây dựng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Cha con ông Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng cũng trở thành nghệ nhân ưa tú từ nghề mộc trên đất Kim Bồng này.
Đến với làng mộc Kim Bồng, du khách có cơ hội ghé thăm xưởng mộc, trực tiếp nhìn những nét chạm của người thợ tài hoa. Tại đây cũng đang trưng bày những sản phẩm đặc sắc như: chiếc đinh hương chạm khắc 1000 con rồng bằng hình ảnh cây tre hóa đã được triễn lãm nhân dịp 1000 năm Thăng Long tại Hà Nội, chùa Cầu Hội An được chuyển thể nguyên trạng, …
Những sản phẩm của làng bây giờ có nét khác biệt với các làng nghề khác đó là sản phẩm được để mộc, nếu có sơn phết đánh bóng cũng chỉ nhẹ nhàng để giữ lại màu gỗ tự nhiên. Chính từ những con trâu, con lợn gỗ mộc mạc, từ chiếc đĩa chạm hình lũy tre, thiếu nữ với tà áo dài đã thu hút sự tò mò thích thú của du khách trong ngoài nước khi có dịp tìm hiểu về mộc Kim Bồng.
Sản phẩm mộc Kim Bồng ngày nay tuy không được bày bán hay quảng bá ở đâu, nhưng người yêu gỗ gần xa vẫn tìm đến Kim Bồng để đặt hàng cho một ngôi nhà cổ, một bộ bàn ghế. Và đâu đó trong đô thị cổ Hội An, kinh thành Huế đang trầm mặc cùng năm tháng luôn có bóng hình tài hoa của người thợ mộc nề Kim Bồng nơi đây.
Thùy Trang - Vnexpress