Đến Tràng An mới thấy, cảnh đẹp thiên nhiên ở đây chẳng kém gì những cảnh quay tuyệt vời về thiên nhiên trong bộ phim nổi danh thế giới Xuân hạ thu đông rồi lại xuân của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk. Thấp thoáng một ngôi chùa ẩn sau những tán cây sát vách hay lưng chừng núi. Có lúc thuyền qua một khoảnh nước bao bọc bởi núi, nước trong vắt và lặng như tờ. Có ai ngồi trên một con thuyền nhỏ khuất trong lùm cây thổi sáo vi vu.
Đi một đoạn mới thấy trên thuyền không có áo phao, hóa ra phải thuê mới có. Cô lái đò trấn an: Nước ở đây chỗ sâu nhất chỉ khoảng 2 mét thôi, hai đầu thuyền được ép xốp nên dù có lật thì cũng là chiếc phao nổi, vậy cứ yên tâm.
Cô chèo đò kể: Dòng suối uốn lượn mà thuyền đang đi trước đây là ruộng lúa của dân, sau khi có dự án biến thành nơi du lịch thì đền bù cho người dân có ruộng, đồng thời phải tuyển dụng họ thành lái đò để có công ăn việc làm. Người ta phải hút bùn hết ở ruộng quanh co uốn khúc theo các ngọn núi để có được làn nước trong văn vắt, nhìn rõ cả rong rêu phía dưới như ngày nay.
Điểm đầu tiên đặt chân đến là đền Trình. Tại đây, đền đã được xây mới nhưng bên cạnh vẫn còn đền cũ đã hơn 600 năm tuổi. Đền Trình là nơi thờ hai công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang con vua là Đinh Toàn giấu tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn.
Trận đồ bát quái về hang động
Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà tạo nên hang động núi non như bây giờ.
Sau đền Trình, thuyền sẽ lần lượt bơi qua các hang động: hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, qua đền Trần (vua Đinh Tiên Hoàng xây cùng thời với đền Hùng) rồi tới hang Ba Giọt, hang Sơn Dương, phủ Khống (thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh) rồi hang Quy Hậu, sau đó trở về bến thuyền, tạo thành một vòng tròn khép kín chứ không đi rồi quay lại như ở Tam Cốc.
Quần thể hang động ở Tràng An như một trận đồ Bát Quái, các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước, các hồ nước này nối với nhau bằng các động xuyên thủy, núi giăng thành lũy bao quanh hồ nước.
Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất đã dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một nhà nước phong kiến tập quyền. Đó là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của.
Cảm giác thuyền chui qua hang đầu tiên thật hồi hộp vì đôi chỗ phải cúi đầu do hang quá thấp, tuy vậy, khi đã đi quen thật thú vị và không còn sợ hãi nữa, cả lúc trong hang tối om vì mất điện.
Đối với tôi, điều thích thú nhất ở Tràng An chính là một không gian tịch mịch, nước trong veo, trời trong xanh và khung cảnh vắng lặng, nhất là đi vào ngày không có mùa du lịch để tận hưởng cái thanh cao của nước trời.
Thật đúng như thơ đã miêu tả sông núi Tràng An - Hoa Lư trong cuốn sử thi "Hoàn vương ca tích" như sau:
Tiên triều đã đặt thế uy
Thành xây thiên tạo lũy quy địa phù
Hang thăm thẳm động âm u
Hồ đi du đãng vượn đu vách rừng.
Chiều ngày 23.6, Ủy ban di sản Thế giới UNESCO diễn ra tại Doha, Qatar đã công bố, khu quần thể Tràng An đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Như vậy danh thắng Tràng An của Ninh Bình là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam được công nhận cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.Ảnh: Tú Uyên và Tư liệu