Về xưng danh Phnom penh, có nhiều giả thuyết khác nhau, trong số đó giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ tên của một phụ nữ có công quyên góp tiền bạc xây dựng nên thành phố này, tên của bà là Daun Penh (bà Penh), được nhiều người chấp nhận hơn cả (trong ngôn ngữ Kh’mer, Phnom – Penh có nghĩa là núi của bà Pênh ). Để cũng cố cho giả thuyết này, anh bạn hướng dẫn viên kéo tôi lên một chiếc xe tuk tuk thẳng tiếng chùa Wat Phnom, nơi đang thờ tự Daun Penh.
Theo truyền thuyết, vào năm 1372 thành phố Phnom penh trải qua một trận lụt lớn, trong trận lụt ấy bà Penh đã vớt được một cây gỗ trôi dạt trên sông, bên trong có 4 bức tượng Phật lớn.
Cho rằng điềm lành, một năm sau bà đã bỏ tiền cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và một ngôi chùa nhỏ (wat) để thờ những bức tượng này.
Kể từ đó, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có Phnom Penh. Hiện Wat Phnom được xem là ngôi chùa linh thiêng và quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người dân Phnom penh nói riêng và Campuchia nói chung.
Nói tới kinh đô tức là nói đến Hoàng Cung, và đó là lý do mà tôi quyết định theo dòng du khách ghé thăm địa danh này.
Hoàng Cung chia làm hai phần, phần phía trước dùng làm nơi thượng triều, phần phía sau làm nơi ăn nghỉ của hoàng tộc và du khách chỉ được tham quan phần phía trước (và tất nhiên và những ngày hoàng gia không tổ chức hội họp hoặc đón tiếp quốc khách- NV).
Ở Campuchia, đạo Phật được xem là quốc giáo nên ngoài việc làm nơi hội họp, gặp mặt quan chức trong và ngoài nước ra, Hoàng Cung còn là nơi để các nhà sư thực hiện một số nghi thức thuộc về quốc lễ.
Ngoài hai lễ lớn là lễ mừng năm mới Chuol Chnam Thmey và Sel Dolta ra, Hoàng Cung còn là nơi diễn ra một lễ hội linh thiêng mà không phải ai cũng biết và tất nhiên, để được trực tiếp tham gia vào lễ này thì lại càng khó hơn – đó là nghi thức cầu mưa.
Người ta gọi Campuchia là đất nước chùa tháp và đó là lý do mà bên cạnh Hoàng Cung luôn luôn có một ngôi chùa để hoàng gia tiện việc cúng tế. Và khi mà thủ đô được dời về Phnom penh, một ngôi chùa mới cũng được xây dựng bên cạnh Hoàng Cung.
Ngôi chùa mà tôi đang nói đến có tên gọi Wat Preah Morakat, còn được gọi là Chùa Bạc hay Chùa Phật ngọc lục bảo.
Sở dĩ được gọi là Chùa Bạc vì ngôi chùa có đến 5.329 miếng bạc lát trên nền nhà, mỗi miếng bạc đều làm thủ công và có trọng lượng 1,125 g, ngoài ra bên trong ngôi cùa còn có hơn 1650 đồ vật có giá trị khác.
Ngoài ra, trên đỉnh ngọn tháp trung tâm chùa, người ta còn cho đặt một bức tượng Phật được tạc bằng ngọc lục bảo, một bức tượng Phật Di-lặc được đúc bằng 90 kg vàng ròng và được gắn 2086 viên kim cương, trong đó có một viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat gắn ở ngực! Nhắc ra những vật dụng để thấy giá trị của ngôi chùa này và đó là lý do mà nó được bảo vệ khá nghiêm ngặt.
Cũng giống như những du khách khi đặt chân đến Phnom- Penh, sau khi thăm thú những địa danh nổi tiếng ở đất nước chùa tháp, tôi bước lên tuk tuk để bước vào một thế giới khác – thế giới mua sắm. Và một khi nói đến mua sắm ở Phnom – Penh, không thể không ghé qua chợ Phsar Thmei mà người Việt hay gọi là chợ Mới.
Sở dĩ gọi là chợ Mới là do cách đó không xa có một ngôi chợ cũng có tên tương tự và ngôi chợ mới này chính là “hậu duệ” có nó.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều ngôi chợ ở Việt Nam, ở đây việc nói thách, nâng giá trị hàng hóa lên đến 10 – 20, thậm chí là 50% giá trị thật diễn ra khá phổ biến.Nguồn gốc hàng hóa cũng rất đa dạng, từ hàng Trung Quốc, Thái Lan cho đến Việt Nam, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng để phục vụ du khách.
Phnom penh rộng lớn, một quỹ thời gian ngắn để khám phá thành phố này được ví như là một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” hay nói cách khác đó chỉ là một phần nổi của khối băng trôi và tôi đã ở trong tư thế buộc phải làm việc đó. Hy vọng rằng, các bạn sẽ là người kế tiếp giúp tôi tìm khám phá phần còn lại đang ẩn mình dưới bóng Hoàng Cung....
Mách bạn:
Điểm thăm quan: Ngoài những địa điểm trên tại Phnom penh còn nhiều nơi đẹp để du khách ghe thăm và chụp hình lưu niệm như công viên Shihanuk, đài độc lập.....
Khi vào hoàng cung và chùa bạc, du khách không được chụp ảnh, quay phim chính điện Hoàng Cung và chính điện Chùa. Nếu lực lượng an ninh phát hiện các hành vi trên, toàn bộ hình ảnh trong máy sẽ bị xóa và bạn phải chịu một khoảng phạt nhất định từ 50 – 100USD.
Khi mua sắm ở chợ, bạn nên trả giá thật kỹ bởi tình trạng nói thách diễn ra khá phổ biến.
Ở Phnom penh, bạn có thể sử dụng tiền Việt, tiền Riel hoặc đô la để giao dịch (tuy nhiên tốt nhất là sử dụng tiền riel hoặc USD vì tỉ giá tiền đồng Việt Nam được định ở mức khá thấp).
Đồng 2USD được xem là may mắn cho nên người Campuchia rất ít khi đem ra giao dịch, vì thế khi đưa 2 USD nhiều cửa hàng sẽ từ chối nhận. Và bạn nên chú ý nếu không có ý định làm quà lưu niệm thì cũng không nên nhận đồng 2USD tiền thối lại.