Tiết trời Đà Lạt cuối tháng 10 về đêm tuy không quá lạnh song nó cũng đủ để du khách khoát lên người một chiếc áo len đặc trưng để ra phố. Trước khi đến Đà Lạt, một người bạn là “ma xó” ở xứ sương mù cho tôi biết, chợ đêm ở Đà Lạt thì mở cửa quanh năm. Tuy nhiên, muốn tận hưởng hết cái không khí chợ đêm thì nên nán lại cho đến cuối tuần, bởi đó là thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất. Tin lời người bạn, tôi quyết định đổi vé xe để một lần sống với chợ đêm Đà Lạt. Và quyết định của tôi đã không phí.
Một gánh hàng rong ở chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: chụpanhdao |
Một người bán hàng tôi gặp ở lối vào chợ cho biết, so với đêm thứ Bảy thì khách đến chợ không đông vui bằng, bởi đêm Chủ nhật nhiều du khách ở Sài Gòn đã lên xe trở về để sáng hôm sau bắt đầu một tuần làm việc mới.
Anh bạn đi cùng cho biết, trông bề ngoài chợ đêm Đà Lạt có vẻ “xô bồ” song thực tế chợ đêm Đà Lạt lâu nay vẫn hoạt động xoay quanh ba chủ đề chính, đó là: đi dạo, mua sắm và lễ hội đường phố.
Trước khi đến Đà Lạt, tôi tình cờ đọc được một status được đăng trên facebook của nhà báo Binh Nguyên, đại ý của status đó cho rằng, trong số nhiều thứ được coi là đặc trưng ở Đà Lạt thì con dốc là một trong số đó và ở chợ Đà Lạt có một con dốc như thế.
Những bạn trẻ đang chơi patin |
Tôi đã có một khoảng thời gian đủ lâu để quan sát những người đi bộ và những đứa trẻ đang chơi trò chơi mạo hiểm trên con dốc ấy. Đã có một số va chạm xảy ra, song tất cả đều được giải quyết bằng những nụ cười đầy thông cảm. Và tất nhiên, những nụ cười ấy không đến từ sự nhường nhịn của người lớn dành cho trẻ con mà nó đến từ sự đặc trưng của khu chợ này.
Chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: Internet |
Hàng hóa ở chợ đêm Đà Lạt khá nhiều song cũng chỉ xoay quanh một vài mặt hàng chính, đó là quần áo và phụ kiện chống rét; hoa kiểng và...cuối cùng các món nướng ăn liền tại chỗ.
So với những khu chợ đêm ở Sài Gòn mà tôi đã từng ghé qua, giá cả quần áo ở đây không cao lắm, đa số nằm ở khung giá từ 100 – 200 ngàn đồng cho một sản phẩm.
Anh bạn đi cùng cho biết thêm, những năm trước hầu như không có chuyện nói thách, song hiện nay thỉnh thoảng vẫn xuất hiện hiện tượng này ở một vài shop. Tuy nhiên, so với một số địa điểm du lịch khác mà anh từng ghé qua thì độ chênh lệch giữa “hét giá” và thực bán không cao lắm.
Trong số những món nướng đặc trưng ở chợ đêm Đà Lạt, có 3 món hầu như những ai đến đây đều không thể bỏ qua. Đó là món bánh tráng nước trứng gà, bắp nướng và khoai lang.
Một du khách ngoại quốc thích thú với món bắp nướng |
Với bắp và khoai lang nướng cũng vậy.
Một du khách khác đến từ Hà Nội cho tôi biết, ở khu vực anh sống cũng có món này song ăn ở đây anh cảm thấy ngon, một phần là do thái độ phục vụ niềm nở của những người bán hàng.
Chị Hạnh, một người bán hàng mà tôi gặp cho biết chị đã bán ở chợ đêm từ hơn chục năm nay và thái độ phục vụ thì bao năm nay vẫn thế, khách muốn ngồi bao lâu cũng được, chỉ có giá cả thì thay đổi chút ít do giá nguyên liệu tăng. Giờ bán của chị cùng các đồng nghiệp của mình thì không cố định, có khi kéo dài cho đến tận 12 giờ đêm khi mà vị khách cuối cùng rời chợ.
Đêm đã về khuya, một lễ hội đường phố nhỏ bắt đầu khi trên khu vực con đường dốc xuất hiện một nhóm người đang say sưa hát theo tiếng đàn ghi ta của một bạn trẻ.
Anh bạn đi cùng cho biết, nhóm bạn trẻ này đàn hát để bán cà phê. Tuy nhiên, lắm lúc do say sưa hát quá nên cả khách và chủ quên luôn cả việc...giao dịch. Thế nên, mới có chuyện nhiều đêm nhóm này lỗ luôn cả vốn.
Chưa đầy 30 phút sau khi xuất hiện, nhiều du khách “máu lửa” đã tình nguyện nhập hội bằng những điệu nhảy, giọng ca khiến cho không khi chợ đêm trở nên náo nhiệt.
Sau khi tham gia vài điệu, chúng tôi kết thúc phiên chợ ý nghĩa của mình để lên xe trở lại Sai Gòn. Một niềm vui chen lẫn một chút ái ngại tràn về bởi quá say mê nên tôi đã quên mất việc ủng hộ nhóm bạn này một ly cà phê thơm lừng. Xin lỗi và hẹn có ngày tôi sẽ trở lại để thưởng thức hương vị cà phê của các bạn – những người tạo nên một nét đặc trưng của chợ đêm Đà Lạt!
Nguyễn Minh