Người Hoa ở khu Chợ Lớn dù có nhiều gia đình sinh sống ở sài gòn đã ba bốn thế hệ, họ vẫn giữ được những phong tục truyền thống đậm chất Tết âm lịch của người Hoa.
Cũng như người Việt, sau ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời, các khu phố của người hoa ở Chợ Lớn (Q.5, Q.6) bắt đầu trang trí đón Tết. Trong ảnh là con hẻm 236 đường Trần Hưng Đạo (Q.5) nơi có nhiều người Hoa gốc Quảng Đông sinh sống, đã thay màu áo mới đón Tết nguyên đán.
Trong nhà người Hoa thường dán câu đối liễn. Đến Tết, họ thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long...
Ở những khu chợ chuyên bán đồ người Hoa như chợ Phùng Hưng (đường Nguyễn Trãi, Q.5), các tiểu thương đồng loạt dựng sạp bán đồ Tết.
Bánh trái lựu, quả đào tiên và thỏi vàng bằng đường, bánh bò… là những thực phẩm thường được người Hoa gốc Quảng Đông mua về trưng Tết ở bàn thờ tổ tiên, bàn ông địa.
Từ sáng đến chiều 30 Tết là thời điểm nhà nhà cúng tất niên. Cô Giang Tứ Muối, 65 tuổi, người gốc Quảng Đông đang chuẩn bị mâm cúng cơm ông bà cho ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ.
Mâm cỗ cúng Tết của người Hoa gốc Quảng Đông có lạp xưởng, lạp dục, gà, tôm, thịt heo, cải xà lách xanh sống. Tên những thứ này khi đọc lên thường có ý nghĩa tốt lành. Tôm theo tiếng Quảng Ðông là "há", đồng âm với "hí há tài xiu", món tôm tượng trưng cho niềm vui cười to ha hả trong nhà suốt tháng quanh năm. Heo đọc là “trư”, đồng âm với “châu” - ý là "châu long nhập thủy", châu báu đầy nhà. Cải xà lách tiếng Quảng đọc là “Phát soi”, đồng âm với “Phát tài”…
Món gà luộc ngậm túm cọng hành trụng (ảnh trên) cũng là món khoái khẩu đầu năm cũng được chuộng của người Quảng Ðông. Hành - tiếng Quảng Ðông là "thun" (thông), tượng trưng cho làm ăn thông suốt, suôn sẻ. Họ cũng thường ăn món "hoàng chòi chúy xẩu" (giò heo nấu đậu phộng) (ảnh dưới), hàm ý cầu mong xòe tay nắm được nhiều tài lộc trong năm mới.
Ngày Tết, người Hoa gốc Quảng Ðông kiêng kỵ ăn thịt vịt, thịt ngỗng vì sợ bị xui, làm ăn chậm chạp. Trái lại, người Hoa gốc Triều Châu thích ăn thịt vịt ram khô nguội, họ dùng nước luộc vịt nấu món xôi lẫn đậu phộng để ngon, béo. Trong mấy ngày Tết, người Hoa Triều Châu còn ăn món thịt vịt hun khói xác mía truyền thống.
Mâm cỗ cúng Tết của người Triều Châu còn có món gà dồn ngũ đậu với ước mong sẽ thu hoạch nhiều của cải trong năm mới. Đối với những gia đình lai Hoa-Việt, mâm cỗ Tết của họ cũng có chút biến tấu, ngoài các món ăn đặc trưng của người Hoa, bánh tét cũng xuất hiện trong mâm cỗ cúng.
Cũng như món bánh chưng, bánh tét của người Việt, bánh tổ và bánh củ cải là hai món ăn gần như không thể thiếu trong ngày tết của người Hoa gốc Triều Châu. Bánh tổ được làm bằng bột nếp trộn với đường đã nấu loãng, sau đó đổ vào khuôn hình tròn đem hấp.
Bánh củ cải là loại bánh mặn được làm từ củ cải trắng và một số nguyên liệu khác như bột gạo, tôm khô, thịt ba rọi, nấm đông cô, cần và tỏi tây. Lượng củ cải trắng nhiều gấp đôi lượng bột gạo. Sau khi trộn các nguyên liệu, bánh được cho vào thố đem hấp chín.
Sau khi cúng tất niên là thời điểm cả gia đình họp mặt quây quần bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên thịnh soạn.
Kế đến là thời khắc giao thừa vào lúc 12 giờ đêm. Thế nhưng ngay từ 10 giờ tối, con hẻm Triều Thương (257 Cao Văn Lầu, Q.6), nơi có nhiều người Hoa gốc Triều Châu sinh sống, các gia đình đã dọn bàn ra trước cửa nhà cúng giao thừa.
Nếu người Việt có mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài” thì người Hoa có quýt, chè ỉ, bánh Tổ. Tiếng Hoa gọi bánh Tổ là “Niên cao”, mang ý nghĩa là ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm cũ. Chè ỉ là viên nếp nhỏ, tròn, không nhân, được nấu chung với nước đường và gừng, khi ăn rắc thêm muối mè lên mặt (người Việt thường gọi đó là chè trôi nước không có nhân). Trong tiếng Triều Châu (còn gọi là tiếng Tiều), “ỉ” nghĩa là “viên”, “tròn”. Người Triều Châu cúng “ỉ” với mong muốn gia đình sẽ luôn được đoàn viên.
Một gia đình người Hoa gốc Triều Châu bắn pháo bông giấy đón năm mới.
Giao thừa thường kéo dài từ 12 giờ đến 2 giờ sáng. Giao thừa cũng là thời khắc đoàn tụ gia đình. Họ bật nhạc tiếng Hoa, cùng nhau trò chuyện, vui đùa. Trẻ em trong nhà rất thích thú vì được thức khuya đón năm mới.
Sau khi đón giao thừa, cũng như người Việt, nhiều người Hoa cũng đi chùa cầu may mắn trong năm mới
Những ngôi chùa người Hoa nổi tiếng ở Q.5 như chùa ông Bổn, chùa Ông, chùa Bà… tối giao thừa tấp nập người dân đến viếng.
Nếu không, họ sẽ chọn đi chùa vào ngày đầu tiên của năm mới. Trong ảnh người dân đang đến viếng chùa ông Bổn (ảnh trên) và chùa Ông (ảnh dưới), đây được xem là những ngôi chùa người Hoa nổi tiếng linh thiêng.
Trong những ngày Tết, nhiều chủ doanh nghiệp người Hoa thường mời các đội lân - sư - rồng múa trước nhà để lấy hên, đồng thời phục vụ công chúng mộ điệu.
Ngày đầu năm, nhiều đoàn lân sư rồng cũng đến viếng chùa để cầu mong cả năm may mắn. Trong ảnh là đoàn rồng Minh Long Phước Kiếng đang viếng chùa ông Bổn.
Sau khi viếng xong, họ sẽ múa phục vụ người dân đi chùa.
Sau đó, họ tiếp tục di chuyển đến những ngôi chùa khác để viếng và múa phục vụ công chúng cả ngày mùng 1 Tết. Múa lân sư rồng cũng là một nét văn hóa đặc sắc trong Tết người Hoa ở Sài Gòn.
Tin Update
- 18/02/15 13:59 Phong tục đầu năm thú vị ở các nước đón Tết âm lịch giống Việt Nam
- 18/02/15 08:56 Khám phá mâm cỗ Tết đặc trưng của ba miền Bắc - Trung - Nam
- 16/02/15 21:21 Lạc vào thế giới kiến trúc Italia siêu tưởng
- 13/02/15 10:29 Hồi hộp xem nhổ răng cho gấu Bắc cực
Có thể bạn quan tâm: