1. Trung Quốc
Trong danh sách này chắc chắn không thể không nhắc đến Trung Quốc – đất nước rộng lớn với sự đa dạng về văn hóa , phong tục. Với lịch sử lâu đời, Trung Quốc có rất nhiều phong tục đón năm mới thú vị được lưu truyền đến tận ngày nay.
Lì xì cũng là một phong tục đẹp trong dịp năm mới của người Trung Quốc. Trẻ em sau khi đến chúc tết ông bà cha mẹ sẽ được nhận những bao lì xì màu đỏ có chứa một ít tiền, thể hiện sự may mắn và lời chúc ngoan ngoãn, học giỏi.
Về ăn uống, trong những ngày đầu năm mới, người Trung Quốc cũng có những tục lệ nhất định. Ví như trong mâm cỗ Tất niên sẽ có món gà và cá, nhưng riêng với món cá họ chỉ ăn một phần và để lại một ít cho tới hôm sau; Vì theo câu nói “ niên niên hữu dư” (Năm mới có dư, phát đạt) phát âm giống với “niên niên hữu ngư” (Năm mới có cá). Không chỉ vậy, theo quan niệm truyền thống, có 12 con giáp lần lượt đại diện cho các năm âm lịch, nên người Trung Quốc cũng kiêng ăn thịt con vật được coi là vật linh của năm mới.
Trong ngày tết, người Trung Quốc cũng thường ăn mì với mong muốn sống lâu, sợi mỳ càng dài thì càng trường thọ; ngoài ra khay bánh kẹo đón tết cũng là một phần không thể thiếu. Khay này thường có 8 ngăn (số 8 đọc giống như “phúc”) hoặc 6 ngăn (số 6 đọc giống như “lộc”) và chủ yếu là hình tròn, còn được gọi là “khay sum họp”. Mỗi ngăn chứa một loại bánh, mứt, kẹo khác nhau với ý nghĩa cầu mong may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Cây và hoa trong năm mới của người dân Trung Hoa cũng mang những nét ý nghĩa riêng. Nếu hoa mơ tượng trưng cho may mắn, cây quất và thủy tiên tượng trưng cho tài lộc thì hoa hướng dương biểu hiện cho một năm mới tốt lành. Những câu chúc không thể thiếu trong năm mới ở đất nước rộng lớn này là “ Cung hỷ phát tài”, “Quá niên hảo” (chúc mừng năm mới) hay “Tuế tuế bình an” (cả năm bình an).
2. Hàn Quốc
Tết hay còn được gọi là Seollal là ngày lễ quan trọng nhất theo truyền thống ở đất nước Hàn Quốc. Mặc dù cũng đón mừng năm mới vào ngày 1/1 hàng năm, nhưng tết truyền thống ở quê hương hanbok được kéo dài trong 3 ngày tính từ ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Cũng giống như Việt Nam, trong ngày đầu năm, người Hàn Quốc cũng làm cơm, thắp hương khấn mời tổ tiên về dự năm mới (gọi là lễ Chesa).
Mâm cúng năm mới của người Hàn Quốc
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ khi nhận lễ từ con cháu sẽ thưởng tiền, vàng hoặc ngọc tùy thuộc vào độ tuổi và điều kiện kinh tế của gia đình.
Vào ngày đầu năm mới, trong mâm cơm 20 món của người dân xứ sở Kimchi luôn có món ttok-kuk (một loại mỳ với nước dùng từ bò và gà) và món canh bánh gạo tteokguk để cầu mong một năm mới nhiều may mắn và thành công.
Món Ttok-kuk
Tại đất nước củ sâm,trong đêm giao thừa, để xua đuổi tà mà, người dân sẽ đốt các thanh tre ở trước cửa nhà mình. Ngoài ra theo tục lệ cổ xưa thì người Hàn còn treo một cái xẻng bằng rơm gọi là Bok-jo-ri với ý nghĩa hót thóc gạo rơi vãi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm.
3. Triều Tiên
Trước kia, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng Âm lịch. Đêm 30 Tết, các gia đình quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo câu đối Tết, tranh Tết, làm cơm Tết và may quần áo Tết.
Sáng sớm ngày mồng 1, mọi người dậy sớm, chỉn chu quần áo đón Tết, quây quần bên người cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên); sau đó bề trên đáp lễ bằng việc mời cơm Tết. Cả nhà sẽ cùng nhau dùng Ttok-kuk, món ăn được làm từ nước cơm, với bánh gạo và đậu xanh, có ý nghĩa là “tăng xuân”.
Trẻ em cùng nhau chơi đùa ngày tết
Một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.
Món cơm thuốc
Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu 2 phong tục: "đuổi quỉ" và "đốt tóc". Để “đuổi quỉ", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mồng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành. Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.
4. Mông Cổ
Tết nguyên đán ở Mông Cổ còn được gọi là Tsagaan Sar (Trăng Trắng) kéo dài từ ngày mùng 1 đến mùng 3 âm lịch. Vào dịp này, người dân vùng du mục dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và chuồng chăn gia súc để đón năm mới.
Gia đình người Mông Cổ đón tết
Vào đúng thời khắc giao thừa, người Mông Cổ sẽ pha một ấm trà, sau đó rót ra chén đầu tiên rồi đem ra trước sân vẩy khắp 4 hướng. Người chủ nhà sẽ uống chén trà thứ hai, sau đó lần lượt các thành viên trong gia đình sẽ cùng thưởng thức ấm trà đầu năm. Người dân nơi đây cũng thắp nến để tượng trưng cho giác ngộ luân hồi và chúng sinh.
Mâm cỗ giao thừa của người Mông Cổ
Những món ăn mừng năm mới của người Mông Cổ thường là các chế phẩm từ sữa. Đặc biệt là món bánh Buuz với hình dạng như chiếc bánh bao nhỏ, ngoài ra còn có thịt cừu, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.
Món bánh Buuz
Trong ngày tết, mọi người sẽ mặc trang phục Mông Cổ truyền thống và tới thăm nhà người thân, bạn bè sau đó họ sẽ trao cho nhau các món quà. Thông thường, người dân Mông Cổ sẽ cùng nhau đi đến nhà người lớn tuổi nhất trong gia đình. Câu chúc năm mới ở Mông Cổ cũng rất đặc biệt. Họ thường chúc nhau “Chúc cho đàn cừu nhà bạn béo tốt” thay cho câu “Chúc mừng năm mới”.
5. Singapore
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác. Vào dịp tết, người dân Singapore đi du xuân với nhiều hoạt động khác nhau như đến các đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, hoặc vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước…
Lễ hội River Hongbao ở Singapore
Người Singapore rất coi trọng bữa cơm tất niên ngày 30 Tết với nhiều món ăn ngon lành. Những thành viên của gia đình sống phân tán đều cố gắng về nhà đoàn tụ. Trong đêm 30 Tết âm lịch, mọi trẻ em ở đảo quốc Sư Tử thường được thức đón giao thừa, chúng thường đợi bố mẹ cúng giao thừa, cúng tổ tiên hoặc đốt pháo xong mới đi ngủ. Ngày đầu tiên của năm mới là ngày trẻ con đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, cũng là "ngày phong bao" của chúng. Chúng sẽ được nhận các phong bao tiền mừng tuổi của bề trên.
Yu Sheng - gỏi cá thịnh vượng là món ăn truyền thống ngày tết ở Singapore.
Cá trong tiếng Hoa có âm đọc giống như chữ "dư”, tượng trưng cho sự dư dật và may mắn. Cũng vì lẽ này, người Singapore rất thích ăn cá trong ngày Tết, cụ thể là món gỏi cá Yu Sheng. Khi trộn gia vị , họ chú ý làm cho cá và thức ăn trong đĩa bồng lên, ví với sự nghiệp đang lên, gia đình phát tài và may mắn. Ngoài ra họ còn có tập quán ăn quýt trong dịp Tết vì chữ quýt trong tiếng Hoa có âm đọc hiệp vận với âm của chữ cát trong từ "cát lợi".
- 16/02/15 21:11 Cách giặt áo lót mà không làm hỏng áo
- 16/02/15 21:10 Hồ Ngọc Hà về Kiên Giang viếng nạn nhân trong vụ tai nạn kinh hoàng
- 16/02/15 16:34 Những bí mật được giấu kín của tiếp viên hàng không
- 16/02/15 16:33 Teen Hà Nội đi đâu chơi Tết vừa đẹp lại vừa gần?