Leo núi là hoạt động du lịch khá phổ biến ở Việt Nam, thường thấy trong các đội phượt, đặc biệt là nhóm học sinh, sinh viên. Từ tháng 11 đến tháng 5 là khoảng thời gian lý tưởng để mọi người lên lịch leo núi.
Chuẩn bị vật dụng thiết yếu
Trước mỗi hành trình leo núi bạn cần biết rõ những vật dụng mình cần chuẩn bị. Ngoài các loại thuốc men, đồ sơ cứu, thực phẩm, quần áo... bạn còn phải soạn đủ cho mình những thiết bị cần thiết như la bàn, dây leo, máy định vị, gậy, đèn pin, pin dự phòng, còi, dao nhỏ... Trong trường hợp gặp nguy hiểm chắc chắn bạn sẽ cần dùng đến. Có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng thì bạn nên sắp xếp chúng ở những vị trí dễ lấy, đồng thời tập sử dụng cho thuần thục để không bị lúng túng khi dùng thật sự.
Chú ý tới những hiệu lệnh của trưởng đoàn. Ảnh: Tuấn Đức.
Người được chọn làm trưởng đoàn thường phải là người am hiểu lịch trình và nhiều kinh nghiệm đi nhất trong đoàn. Chính vì vậy bạn nên chú ý lắng nghe và làm theo hướng dẫn của họ (mọi hiệu lệnh dừng nghỉ, đi nhanh hay chậm...) để hành trình đảm bảo sự an toàn cho không chỉ một mà tất cả mọi người. Ngoài an toàn bạn còn tận thưởng được trọn vẹn nơi mình đang đi qua. Đặc biệt không nên tách đoàn đi riêng, quá chậm hoặc quá nhanh so với mọi người trong đoàn dẫn đến trưởng đoàn khó kiểm soát và chuyến đi sẽ mất vui.
Chọn đường đi kỹ lưỡng và ứng biến khi leo núi
Ngoài việc nghiên cứu và lên lịch trình cẩn thận ra thì ứng biến khi chọn đường đi cũng rất cần thiết. Nên lưu ý những điều nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng như men theo suối, đánh dấu đường... Khi đi theo lối ven suối bạn sẽ dễ dàng có nước để dùng nếu hết, ngoài ra trường hợp bị lạc đường thì những người cứu hộ cũng sẽ tìm ở khu vực có nước như sông, suối ... đầu tiên. Vừa đi bạn vừa phải đánh dấu lại đường để lưu ý cho những người đi sau cũng như khi phải quay lại nếu gặp bất trắc không thể hoàn thành hành trình như: chấn thương, cây đổ, núi lở...
Thường xuyên theo dõi thời tiết
Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất tới chuyến leo núi. Trước khi đi bạn chắc chắn phải xem dự báo thời tiết hoặc thăm dò tình hình. Tuy vậy, đang trên đường leo bạn vẫn phải thường xuyên quan sát xung quanh để nhận biết sức gió, hướng gió, mây mù, sương, côn trùng... Điều đó giúp bạn cùng đoàn có thể đoán biết sự thay đổi của thời tiết (nếu có) để định hướng lối đi, dừng nghỉ hay tiếp tục.
Nguồn: vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm: