Trong và ngoài xưởng xếp thành hàng những chiếc xe đang chờ đến lượt sửa chữa. Những chiếc acma , Standard, super hay sprint có tuổi đời tới hàng chục năm, ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi thời gian nhưng vẫn làm mê mẩn giới yêu xe... Luôn tay luôn chân với công việc, mặt mũi, quần áo anh lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt, bụi hàn, vệt sơn.
Xuất thân trong một gia đình có nghề sơn truyền thống, ngay từ thời Pháp thuộc, cha và ông nội anh đã có xưởng chuyên sơn ngay tại Hà Nội. Nói về sơn thì gia đình này có thể tự hào không kém cạnh bất kì một cửa hàng nào cùng nghề về chất lượng, độ bền và độ mịn. Gia đình nhận làm tất cả những thứ có liên quan đến sơn, từ ô tô, xe máy, xe đạp..., nên từ nhỏ Kiên "Láng" đã được tiếp xúc với máy móc và đã được truyền cho những kĩ thuật tốt nhất của nghề sơn.
Hồi ấy, dân chơi xe Vespa thường tìm đến cửa hàng nhà anh để "mông má, tút tát" lại cho "xế yêu". Nhận thấy chiếc xe có nguồn gốc từ nước Ý xinh đẹp này tuy hấp dẫn nhưng lại khó chiều, hay đổ bệnh, ban đầu anh cũng không thấy hứng thú lắm. Nhưng mãi về sau, khoảng đầu thập niên 90, đột nhiên anh lại có cảm hứng với chiếc xe này.
Một mình anh tự học, tự loay hoay và quan sát những chiếc xe. Xe Vespa vốn nhiều dòng, nhiều đời, mỗi loại lại có những đặc điểm kĩ thuật và những thông số khác nhau buộc phải nắm vững. Nhiều người mang xe đến chỉ để sơn, nhưng tiện có những hư hỏng nhẹ thì đều nhờ anh sửa hộ, lâu rồi kinh nghiệm ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với tình yêu những chiếc xe đỏng đảnh này.
Đến đầu năm 2000, khi niềm đam mê đã đủ lớn, anh đầu tư mua hẳn một chiếc vespa cổ về chỉ để... tháo tung ra quan sát. Sau khi tháo tung từng con ốc của chiếc xe, anh lại lọ mọ tìm cách ráp lại, tìm cách "bắt bệnh" và thực hành trên chính chiếc xe của mình.
Một thời gian sau, khi cảm thấy đã có thể yên tâm về tay nghề của mình, Kiên "Láng" quyết định tách ra mở xưởng chuyên sửa chữa Vespa ở đường Láng (đây là lý do anh có tên là Kiên "Láng"- PV). Một phần cũng nhờ tiếng tăm ban đầu về nghề sơn của gia đình nên những người chơi xe Hà thành tìm đến với xưởng sửa chữa của anh. Ban đầu, họ đến chỉ với mục đích sơn xe vì sơn ở đây chắc, mịn, bóng và có độ bền cao hơn hẳn so với các xưởng khác.
Nghề làm sơn nếu không hiểu thì không biết hết sự vất vả, người thợ buộc phải có đôi tay cực nhạy, sao cho khi hoàn tất công việc, sờ lên bề mặt sơn phải có độ mịn màng nhẵn nhụi cao. Tính Kiên "Láng" vốn cẩn thận và chu toàn với khách nên dù xưởng có nhiều thợ, những chi tiết khó bao giờ cũng phải đích thân anh làm mới yên tâm.
Mỗi chiếc xe khi nhập xưởng bao giờ cũng phải thực hiện tuần tự các bước: Tháo tung, gò, đánh sạch, vá, mài bóng, sơn, sửa chữa những chi tiết hỏng, lắp ráp và tân trang. Hầu hết những chiếc xe đến với "bệnh viện” Kiên "Láng" đều có "bệnh" khá nặng, có những chiếc buộc phải làm gần như mới nhưng bao giờ anh cũng cố gắng để giữ nguyên phom chuẩn ban đầu của xe. Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao.
Sau khi phá bung từng con ốc nhỏ, gò lại phom dáng ban đầu, người thợ lại phải mài sạch lớp sơn cũ, những chỗ đã quá mòn thì phải cắt đi, vá một miếng kim loại khác vào sau đó lại mài cho tới khi nào độ phẳng của bề mặt được đồng đều và sáng trắng mới đến công đoạn sơn.
Tình yêu từ chiếc xe đầu tiên
Ngồi trò chuyện với tôi ngay trong xưởng, vợ anh đang loay hoay chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ anh em Vespa cuối tuần. Chị cười, bình thường mọi người cứ có thời gian lại tụ tập lại với nhau, bàn chuyện đi phượt , "tám" về xe và những cung đường. Nghe nhiều thành quen nên cho dù chẳng "học", chị cũng có thể biết hết những "bệnh" thường và hiếm gặp của xe.
Hình minh họa
Bản thân chị cũng là dân "phượt", lây niềm đam mê chiếc Vespa cổ từ chính chồng mình rồi tự nguyện gắn bó, trở thành một người cộng sự, quán xuyến công việc của xưởng, chồng chỉ việc yên tâm với máy móc sửa chữa.
Yêu nhau tới 9 năm rồi mới cưới, món quà đầu tiên mà anh dành cho chị cũng là một chiếc Vespa cổ. Ban đầu, chị cũng có phần "hãi" bởi vì nghe tiếng dòng xe khó chiều này.
Có khi chủ xe đang đóng bộ complê hẳn hoi, cưỡi xe đi ngoài phố, đột nhiên xe "trở chứng" cũng phải cúi xuống lau bu-gi như thường. Âëy là chưa kể những cung đường xa, trong hành trang lúc nào cũng phải có một ít đồ xơ-cua, sẵn sàng thay thế bất cứ lúc nào.
Chiếc xe anh tặng chị đã từng một mình một xe, nhập đoàn 4-5 người đi từ Hà Nội vào Đà Lạt mà không hề gặp sự cố nào. Khi đã quen với chiếc xe rồi thì thành nghiện, cũng như khi đã yêu rồi thì người ta sẵn sàng chiều theo, kể cả những sở thích quái gở của người yêu. Với chiếc Vespa và tình yêu của hai vợ chồng anh cũng vậy.
Đầu năm 2012, anh cùng 11 thành viên khác của câu lạc bộ vespa hà nội tham dự cuộc hành trình xuyên 5 nước Đông Dương bằng chính những chiếc xe Vespa "đỏng đảnh" này.
Có thể bạn quan tâm: